Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:49 (GMT+7)
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và quy định của Luật Biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta được mở rộng lần lượt không quá 200 và 350 hải lý, tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Với quy định này, trên thực tế, sẽ tồn tại một số vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a. Do đó, việc quản lý, sử dụng các vùng biển chồng lấn phải trên cơ sở những thỏa thuận phân định ranh giới và hợp tác trên biển giữa các nước. Đến nay, Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận phân định và hợp tác trên biển với các nước có vùng biển chồng lấn liền kề, như: Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam – Cam-pu-chia (năm 1982); Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xi-a (năm 1992); Hiệp định phân định ranh giới biển với Thái Lan (năm 1997); Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ (năm 2000); Hiệp định phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a (năm 2003). Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Việt Nam tăng cường hợp tác về quản lý, bảo vệ, tuần tra chung cũng như cùng nhau thăm dò, khai thác tài nguyên,… trên vùng biển chồng lấn với các nước liên quan.
Cảnh khai thác thủy sản của nhân dân ta. (Ảnh: nhandan.com.vn)
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có thỏa thuận nào về khai thác thủy sản chung trên các vùng biển chồng lấn với các nước láng giềng. Mặc dù vậy, khi được phép khai thác thủy sản trên các vùng biển này, ngư dân phải tuân thủ những quy định chung về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trên nguyên tắc phát triển bền vững. Đó là, không sử dụng phương pháp, ngư cụ,… khai thác thủy sản mang tính tận thu, hủy diệt; không gây tác động xấu đến môi trường sống của các loài thủy sinh; tuân thủ luật pháp Việt Nam và luật pháp của nước có vùng biển chồng lấn, v.v.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất, mức độ thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước có vùng biển chồng lấn liền kề mà có những quy định cụ thể phù hợp khác. Ví dụ, với Cam-pu-chia, đây là vùng nước lịch sử giữa hai nước, việc khai thác thủy sản của nhân dân địa phương hai bên trên vùng biển này vẫn theo tập quán làm ăn từ trước. Công dân của nước thứ ba không được phép đánh bắt thủy sản trong vùng nước lịch sử này. Còn với Trung Quốc, việc khai thác thủy sản vùng vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ phải theo quy định của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; trong đó, quy định cụ thể việc khai thác thủy sản ở vùng đánh cá chung, vùng dàn xếp quá độ; thủ tục xin cấp giấy phép, nộp lệ phí; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tránh trú bão trên biển, v.v.
Như vậy, quy định về khai thác thủy sản trong vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với các nước có vùng biển liền kề không phải là quy định chung áp dụng cho tất cả các nước, mà phụ thuộc có tính tiên quyết vào lịch sử và những vấn đề có tính đặc thù với từng quốc gia liên quan. Điều đó đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân của Việt Nam, khi tham gia khai thác thủy sản trên các vùng biển này, cần tuân thủ nguyên tắc chung về phát triển bền vững; đồng thời, chấp hành nghiêm luật pháp của Việt Nam và luật pháp của quốc gia có vùng biển chồng lấn tương ứng, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trên các vùng biển chồng lấn với các nước.
DUY KHANH thực hiện
khai thác thủy sản,vùng biển chồng lấn
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An