QPTD -Thứ Bảy, 16/10/2021, 22:07 (GMT+7)
Quy định về huy động lực lượng, phương tiện dân sự và thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển, có những trường hợp cần được tiến hành, giải quyết ngay, không cho phép chậm trễ nhằm tránh sự trốn thoát của người, tàu thuyền, phương tiện vi phạm pháp luật cũng như khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn; khắc phục kịp thời các sự cố do thiên tai hay tai nạn do tàu thuyền gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng, Cảnh sát biển Việt Nam được phép huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự tham gia xử lý các tình huống theo đúng quy định tại Điều 16, Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, cụ thể:

1. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm, cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

2. Việc huy động theo quy định tại khoản 1 Điều này phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.

Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của Cảnh sát biển Việt Nam.

4. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/7/2019, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp: (1) Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; (2) Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp theo quy định; (3) Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi; (4) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 về việc huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự và thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển đã tạo căn cứ pháp lý thống nhất để Cảnh sát biển Việt Nam phát huy tốt vị trí, vai trò là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Dự báo thời gian tới, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, Cảnh sát biển Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự phục vụ cho mục đích chấp pháp trên biển, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường biển và tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển đảo của Tổ quốc.

PHẠM BÌNH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc (0)