QPTD -Thứ Sáu, 15/10/2021, 14:41 (GMT+7)
Quy định sử dụng vũ khí, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động ở môi trường biển, đảo phức tạp, địa bàn rộng, yêu cầu đòi hỏi cao, với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hoạt động của các loại tội phạm trên Biển Đông có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, cường độ, tính chất. Để hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển được phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể như sau:

Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 14, Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 quy định:

1. Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

b) Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn.

c) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn.

d) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.

3. Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, Điều 15, Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 nêu rõ:

1. Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được để phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển; phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Nắm vững và thực hiện đúng các quy định về sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ nêu trên, góp phần nâng cao sức mạnh vũ trang của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhất là trước những hành vi manh động và nguy hiểm của các loại tội phạm trên biển, như: cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên biển.

PHẠM BÌNH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc (0)