QPTD -Thứ Sáu, 23/12/2011, 03:49 (GMT+7)
Quy định của Chính phủ Việt Nam về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam

 

Ngày 30-3-2010, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ra Nghị định số 32/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài (TCNN) trong vùng biển Việt Nam. Theo đó:

- Về nguyên tắc: hoạt động thủy sản của TCNN trong vùng biển Việt Nam trên cơ sở hợp tác quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và luật pháp quốc tế. TCNN chỉ được hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi có giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Giấy phép hoạt động thủy sản được cấp cho từng tàu cá; một chủ tàu cá có thể xin cấp giấy phép cho nhiều tàu cá. Thời hạn của giấy phép được cấp không quá 12 tháng đối với hoạt động khai thác thủy sản, không quá 24 tháng đối với các hoạt động thủy sản khác; giấy phép được gia hạn không quá 3 lần, thời gian gia hạn không quá 12 tháng.

- Quyền và nghĩa vụ của chủ TCNN: được hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam theo nội dung ghi trong giấy phép; được cơ quan chuyên môn của Việt Nam thông báo kịp thời về tình hình thời tiết, cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động thủy sản.

+ Phải đóng đầy đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định và mua bảo hiểm cho giám sát viên. Ít nhất 07 ngày trước khi đưa tàu cá vào Việt Nam, chủ TCNN phải thông báo bằng văn bản (fax, email hoặc gửi văn bản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) cho Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam biết; khi đến Việt Nam, phải làm thủ tục nhập cảnh theo quy định. Chủ TCNN phải mang theo trên tàu cá các loại giấy tờ (bản chính) sau: Giấy phép hoạt động thủy sản, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện, Sổ danh bạ thuyền viên và hộ chiếu của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá.

+ Phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm soát trong vùng biển của Việt Nam; ghi nhật ký khai thác và báo cáo hoạt động của tàu cá theo quy định. Khi gặp sự cố, tai nạn hoặc gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp, chủ TCNN phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và phải thông báo ngay cho cơ quan hữu quan của Việt Nam nơi gần nhất, đồng thời phải thông báo cho Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và lực lượng biên phòng của địa phương khi tàu vào trú đậu tại các cảng, bến cá của Việt Nam trong mọi trường hợp. TCNN khai thác thủy sản chỉ được phép tiêu thụ sản phẩm ở Việt Nam (trừ trường hợp có hợp đồng xuất khẩu ghi trong dự án hợp tác đã được phê duyệt).

+ Khi TCNN kết thúc hoạt động và rời khỏi vùng biển Việt Nam, chủ TCNN phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo giấy phép đầu tư đã được cấp, dự án đã được phê duyệt, hợp đồng đã được ký kết (trừ trường hợp hợp đồng có thỏa thuận riêng) và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam; trong trường hợp tàu cá nước ngoài ngừng hoạt động khi giấy phép vẫn còn hiệu lực thì chủ tàu cá phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép biết trước ít nhất 07 ngày làm việc.

Nghị định cũng nêu rõ khái niệm về TCNN, chủ TCNN, quy định điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động thủy sản của TCNN trong vùng biển Việt Nam; quyền và trách nhiệm của giám sát viên; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các vi phạm của TCNN. Nghị định này (thay thế Nghị định số 191/2004/NĐ-CP, ngày 18-11-2004 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của TCNN trong vùng biển Việt Nam) là cơ sở pháp lý chủ yếu cho công tác quản lý hoạt động thủy sản của TCNN trong vùng biển Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để nước ta tăng cường mở rộng hợp tác với các nước trong việc điều tra, thăm dò, khai thác nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

(Trung Tiến thực hiện)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)