Thứ Năm, 21/11/2024, 00:31 (GMT+7)
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của Hải quân nhân dân Việt Nam là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Việt Nam là quốc gia biển, với vùng biển rộng, bờ biển dài, có trên 3.000 đảo lớn, nhỏ được phân bố khá đều trên các vùng biển của đất nước; trong đó, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm án ngữ phía Đông và Đông - Đông Nam của Tổ quốc. Biển Việt Nam có tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, nguồn hải sản phong phú và có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng chạy qua. Chính vì vậy, biển, đảo Việt Nam, vừa là “không gian sinh tồn”, vừa là tuyến đầu phòng thủ đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển, đảo, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương cùng lực lượng Hải quân thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đạt được kết quả quan trọng. Trên thực tế, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về biển, đảo không ngừng được nâng lên; cơ sở vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư; việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo được coi trọng. Năng lực, khả năng, sức mạnh của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Hải quân không ngừng được củng cố, tăng cường, luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, khó đoán định; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra xung đột; các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tình hình trên biển để đẩy mạnh chống phá trên nhiều lĩnh vực. Cùng với đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, phương thức tác chiến mới,… đặt ra yêu cầu cao hơn đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng. Vì vậy, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và cả nước, với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, hiệu quả; trong đó, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hải quân nhân dân Việt Nam giữ vai trò quan trọng hàng đầu; tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Trước hết, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những năm qua, mặc dù các cấp, ngành, lực lượng và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo, nhưng nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc vẫn chưa thật đầy đủ; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thậm chí còn vi phạm pháp luật trên biển, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, lực lượng, nòng cốt là lực lượng Hải quân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là nhân dân các tỉnh ven biển, lực lượng hoạt động trên biển và thế hệ trẻ thấy rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm trong quản lý, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền đối với vùng biển của Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, những động thái mới của các nước trên Biển Đông; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước ta về biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc1, v.v.
Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp; ngoài tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, tọa đàm trao đổi, thi tìm hiểu, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội,... cũng cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền tại các diễn đàn quốc tế, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, lực lượng Hải quân cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về biển, đảo cho ngư dân; giúp ngư dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xâm phạm, lấn chiếm chủ quyền biển, đảo; từ đó, nâng cao cảnh giác, tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại các hành động xâm lấn biển, đảo.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, ngành, lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tuy nhiên, để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Quân chủng Hải quân cần tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, cơ quan Trung ương và cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước triển khai sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nội dung, chương trình đã ký kết về biển, đảo. Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và các phong trào, cuộc vận động xây dựng quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, “Vì biển, đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, “Xanh hóa Trường Sa”, v.v. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp lựa chọn đại biểu, xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn lực, bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật phục vụ các đoàn công tác thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 đạt mục đích, ý nghĩa.
Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển,... xây dựng các phương án, kế hoạch, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các hành động xâm lấn, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo theo đúng Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển.
Ba là, xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt nam “tinh, gọn, mạnh” tiến thẳng lên hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi Quân chủng Hải quân - lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải được xây dựng “tinh, gọn, mạnh”, tiến thẳng lên hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Theo đó, Quân chủng Hải quân cần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh tổ chức lực lượng; tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập cho các đối tượng, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, chỉ huy, tham mưu tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo,... bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về kỹ thuật, chiến thuật, có trình độ chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ, nắm chắc về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện có và vũ khí, trang bị mới.
Trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển cao, Quân chủng Hải quân cần chủ động tham mưu để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước đầu tư nghiên cứu, cải tiến, mua sắm vũ khí, trang bị thế hệ mới, có tính năng vượt trội; trong đó, chú trọng trang bị các loại tàu tên lửa loại nhỏ, tàu tuần tiễu đa năng, thủy lôi,… cho tác chiến trên các vùng biển gần bờ. Tập trung nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến hải quân; ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật số vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra, kiểm tra, giám sát và tác chiến trên biển; điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp với biểu tổ chức biên chế và yêu cầu tác chiến biển, đảo trong tình hình mới; qua đó, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, sẵn sàng đánh bại địch xâm lược từ hướng biển.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Quân chủng Hải quân cần đẩy mạnh hợp tác với hải quân các nước trên nhiều lĩnh vực; trong đó, tập trung vào thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ môi trường biển, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, v.v. Bên cạnh đó, tăng cường giao lưu, đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan trẻ, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ,... tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kiến thức, kỹ thuật mới, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng Hải quân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngoài ra, tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác an ninh hàng hải quốc tế, nhất là cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực biển, đảo; qua đó, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế; đồng thời, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS. HỒ THANH HÒA, Phó Giám đốc Học viện Hải quân _____________________
1 - Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, v.v.
lực lượng Hải quân,vai trò nòng cốt,chủ quyền biển,đảo của Tổ quốc,nhiệm vụ trọng yếu,cơ chế hợp tác an ninh hàng hải quốc tế
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 29/07/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An