QPTD -Thứ Hai, 21/05/2012, 14:11 (GMT+7)
Quy định của Chính phủ về các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo của Việt Nam

Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: công tác quản lý, bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đương nhiên trong đó có lực lượng nòng cốt, chuyên trách, nhưng tuyệt nhiên không phải là trách nhiệm riêng của một lực lượng nào. Theo đó, với mỗi vùng biển có chế độ pháp lý khác nhau, Nhà nước đã phân công rất cụ thể việc quản lý, bảo vệ cho các lực lượng một cách rõ ràng; đồng thời, khẳng định trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 - Điều 21, Chương III, Nghị định số 30-CP ngày 29-01-1980 về Quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đã nêu rõ: “Việc kiểm soát trên biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được giao cho các lực lượng sau đây:

a- Hải quân nhân dân và các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo;

b- Bộ đội Biên phòng Việt Nam;

c- Cảnh sát nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tuần tra trên biển;

d- Các lực lượng bán vũ trang trên các tàu thuyền vận tải và tàu thuyền đánh cá của Việt Nam được trao trách nhiệm kiểm soát theo từng yêu cầu công tác và có mang dấu hiệu rõ ràng;

e- Các lực lượng kiểm soát chuyên môn của các ngành: Hải quan, Y tế, Kiểm dịch của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam làm nhiệm vụ kiểm soát từng mặt công tác của ngành mình”.

- Điểm 2, Quyết định số 13-HĐBT ngày 11-02-1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tăng cường bảo vệ chủ quyền và an ninh các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đã phân công phạm vi tuần tra kiểm soát trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam như sau:

a- Bộ đội Hải quân phụ trách chủ yếu là vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

b- Bộ đội Biên phòng phụ trách vùng nội thủy, lãnh hải và làm nòng cốt trong hoạt động của dân quân, tự vệ trên biển.

c- Lực lượng Công an nhân dân phụ trách việc bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên biển, các bến đậu, các nơi trung chuyển, các bến bãi bốc dỡ hàng hóa dân sự, các công trình nổi trên biển, các cửa sông lớn.

d- Lực lượng của các Bộ: Giao thông vận tải; Thủy sản, Dầu khí; Hải quan không ấn định phạm vi riêng.

- Trước những phát triển mới của tình hình thực tiễn về quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, ngày 26-01-2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (khóa XII) đã thông qua Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam số 03/2008/PL-UBTVQH12; trong đó, Điều 1 và 3 đã nêu rõ:

+ Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

+ Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có trách nhiệm thực hiện, phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Quy chế phối hợp hoạt động, trách nhiệm cụ thể của các lực lượng do Chính phủ quy định.

TRUNG ANH

 

Ý kiến bạn đọc (0)