Thứ Năm, 24/04/2025, 11:59 (GMT+7)
Khái niệm và quy chế pháp lý của vùng nước lịch sử không được đề cập trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982); mà được xác định thông qua thông lệ và tập quán quốc tế. Theo đó, vùng nước lịch sử là vùng nước có các yếu tố sau:
- Là vùng biển có cấu tạo địa lý đặc biệt, ăn sâu vào đất liền hoặc là một bộ phận gắn liền với lục địa;
- Ở cách xa đường hàng hải quốc tế;
- Có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về chiến lược, quốc phòng, an ninh, kinh tế,… đối với quốc gia ven biển;
- Về mặt lịch sử, quốc gia ven biển đã chiếm hữu, khai thác, sử dụng từ lâu đời mà không có nước nào phản đối.
Chế độ pháp lý: vùng nước lịch sử là vùng nước có chế độ nội thủy.
Thực tiễn trên thế giới có rất nhiều nước dựa trên các điều kiện cụ thể về địa lý, kinh tế, quốc phòng, an ninh và lịch sử… của vùng nước, vịnh để xác định vùng nước lịch sử của quốc gia mình. Ví như, Mỹ quy định vịnh Chê-xa-pích (cửa vịnh rộng trên 65 hải lý) là vùng nước lịch sử của mình; Anh xác định vịnh Bri-xtơn (cửa vịnh rộng trên 100 hải lý), vịnh Phi-ơc-ớp-phooc và Mô-ri-phi-ơc là các vùng nước lịch sử của mình; Ca-na-đa xác định vịnh Hát-xưn (cửa vịnh rộng hơn 50 hải lý) là vùng nước lịch sử của quốc gia... Cũng có nhiều vịnh được coi là vùng nước lịch sử chung của hai hay nhiều quốc gia, như: vịnh Ma-na được Sri Lan-ca và Ấn Độ coi là vùng nước lịch sử chung của hai nước…; vịnh Phôn-xê-ca được 3 nước là En Xan-va-đo, Ni-ca-ra-goa và On-đu-rát xác định là vùng nước lịch sử chung của họ, v.v.
Việt Nam có 2 vùng nước lịch sử. Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, ngày 12-11-1982, nêu rõ: “Phần vịnh Bắc Bộ thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Hiệp định về “Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Cam-pu-chia”, được Chính phủ Việt Nam và Cam-pu-chia, ký ngày 07-7-1982, nêu rõ: “Vùng nước nằm giữa bờ biển đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu của Việt Nam với bờ biển tỉnh Căm-pốt và nhóm đảo Pô-lô-vai của Cam-pu-chia là vùng nước lịch sử chung của hai nước theo chế độ nội thủy”1.
Việc Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xác định các vùng nước lịch sử của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế; có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng trong việc mở rộng chủ quyền lãnh thổ, tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh và quyền lợi về kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐĂNG VŨ
1 - Xem bài: “Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Cam-pu-chia”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9-2010
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng trong phòng, chống IUU 24/04/2025
Hải đoàn 42 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật 14/04/2025
Vùng 2 Hải quân xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vững chắc 20/03/2025
Vùng 5 Hải quân đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng 13/03/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm 27/02/2025
Cát Bà - Khu dự trữ sinh quyển đa dạng sinh học 13/02/2025
Vùng Cảnh sát biển 1 nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới 06/02/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tích cực đấu tranh chống khai thác IUU 16/01/2025
Bốn trọng tâm trong xây dựng Vùng Cảnh sát biển 3 vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 06/01/2025
Gặp mặt báo chí giới thiệu về Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai, năm 2024 12/12/2024
Hải đoàn 42 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng trong phòng, chống IUU