QPTD -Thứ Hai, 28/02/2011, 15:14 (GMT+7)
Quy chế pháp lý của lãnh hải trong luật pháp quốc tế và trong hệ thống văn bản pháp luật về biển của Việt Nam

Trong hệ thống luật pháp quốc tế về biển, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982) là văn bản pháp lý quốc tế duy nhất được nhiều quốc gia (hiện có 160 quốc gia và Cộng đồng châu Âu tham gia) chấp nhận và vận dụng trong việc tuyên bố các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. Công ước Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý cho việc thương lượng, đàm phán phân định biển giữa các quốc gia có biển với nhau; hoặc, trong tranh tụng trước các tòa án quốc tế về biển.

Công ước Luật Biển 1982 quy định, quốc gia ven biển có năm vùng biển với phạm vi, quy chế pháp lý khác nhau: vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, lãnh hải (Mục 2, Điều 3) là vùng biển liền kề với vùng nước nội thủy, có chiều rộng không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Ranh giới phía ngoài của lãnh hải là biên giới của quốc gia ven biển. 

Lãnh hải có chế độ pháp lý tương tự như lãnh thổ trên đất liền. Nghĩa là, quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với lãnh hải, được hiểu là vùng trời, vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Tuy nhiên, chủ quyền dành cho quốc gia ven biển đối với lãnh hải không phải là tuyệt đối, vì tầu thuyền các nước khác được phép "Đi qua không gây hại" trong lãnh hải. Đây là vấn đề mang tính tập quán và được các quốc gia thừa nhận cho việc giao thương, phát triển hàng hải, du lịch..., vì lợi ích của cộng đồng quốc tế nói chung, quốc gia ven biển nói riêng. Việc "Đi qua không gây hại" là không được gây tổn hại đến hòa bình, an ninh trật tự hoặc những lợi ích chính đáng khác của quốc gia ven biển và phải tuân theo quy định chi tiết trong Mục 3, Điều 19 của Công ước. Các quốc gia ven biển có quyền ấn định, phù hợp với Công ước Luật Biển 1982 các tuyến đường hàng hải, quy định việc phân chia luồng giao thông trên biển dành cho tầu nước ngoài khi đi qua lãnh hải nước mình. Trường hợp có sự vi phạm, quốc gia ven biển có quyền tạm thời đình chỉ việc "Đi qua không gây hại", nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia của mình.

Việt Nam là một trong số những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phê chuẩn Công ước Luật Biển 1982 (ngày 23-6-1994). Theo quy định của Công ước, Việt Nam cũng có năm vùng biển như đã nói ở trên, với diện tích gần 1 triệu km2 và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà đã từ lâu trong lịch sử chúng ta đã khám phá, quản lý và thực hiện chủ quyền liên tục.

  Ngày 12-5-1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam đã ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: Lãnh hải của nước CHXHCN Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất trở ra.

Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam.

Nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

Tiếp sau đó, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý cơ bản về biển, như: Tuyên bố ngày 12-11-1982 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam; các bộ luật, như: Luật Biên giới quốc gia (2003); Luật Hàng Hải (2005); Luật Dầu khí (2008)..., và các văn bản dưới luật khác, để cụ thể hóa việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam.

Có thể nói, Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải được công bố trước khi Công ước Luật Biển 1982 được ký kết (10-12-1982) và có hiệu lực (16-11-1994). Tuyên bố đó thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề biên giới trên biển. Tuyên bố nói trên hoàn toàn phù hợp với những quy định trong Công ước Luật Biển 1982, phù hợp với xu thế và thực tiễn quốc tế.

 VŨ MINH

 

Ý kiến bạn đọc (0)