QPTD -Thứ Hai, 30/01/2023, 09:26 (GMT+7)
Quân chủng Hải quân nâng cao chất lượng phối hợp tuyên truyền biển, đảo

Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là vấn đề đã, đang được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, nâng cao chất lượng phối hợp tuyên truyền biển, đảo được Quân chủng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, những năm qua, Quân chủng Hải quân đã chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố, cơ quan Trung ương, cơ quan thông tấn, báo chí, triển khai thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo đạt kết quả tốt. Quân chủng đã ký kết chương trình phối hợp với 63/63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan Trung ương, cơ quan thông tấn, báo chí, tạo cơ sở pháp lý, cùng sự thông thoáng trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo được triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành, thu hút đông đảo lực lượng tham gia; nội dung, hình thức, phương pháp phối hợp ngày càng toàn diện, có chiều sâu, luôn có sự đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tạo đột phá, sức lan tỏa rộng rãi. Các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, vươn khơi bám biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai của Bộ đội Hải quân được tuyên truyền sâu, rộng, kịp thời, tạo hiệu ứng tích cực, hiệu quả cao. Qua đó, kịp thời định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; động viên, phát huy vai trò của các lực lượng, tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao tiềm lực chính trị - tinh thần, tăng cường thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ 6 tỉnh ký kết chương trình phối hợp Tuyên truyền biển đảo năm 2023

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực nói chung, trên các vùng biển nói riêng, trong đó có Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này tiếp tục gia tăng, với tính chất ngày càng căng thẳng, quyết liệt. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cao đối với công tác phối hợp, tuyên truyền biển, đảo. Là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Quân chủng xác định tiếp tục nâng cao chất lượng phối hợp tuyên truyền biển, đảo là một nội dung trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp với các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.

Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp được phát huy. Vì vậy, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tuyên truyền biển, đảo được Quân chủng xác định là vấn đề xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định. Đảng ủy Quân chủng yêu cầu cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng; định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; chỉ thị của Đảng ủy Quân chủng về công tác tuyên truyền biển, đảo1. Các đơn vị cần thực hiện đa dạng hình thức, như: thông qua hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết; hội thảo; thực tiễn hoạt động phối hợp tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hướng về biển, đảo,... giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp ngày càng nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và vị trí, vai trò của công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo. Đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo hằng năm phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, trong xây dựng kế hoạch phối hợp phải có tính khả thi cao, không trùng lắp hay để khoảng trống về nội dung, đối tượng tuyên truyền; triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp bảo đảm toàn diện, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm; tích cực, chủ động, sâu rộng, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho bộ đội, nhân dân, địa phương, cơ quan, đơn vị và các tổ chức, gắn với thu hút nguồn lực xây dựng Quân chủng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm bảo đảm tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên, lực lượng trực tiếp thực hiện và đầu tư kinh phí, nâng cấp phương tiện, bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền đạt hiệu quả ngày càng vững chắc.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng chủ trương tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phối hợp tuyên truyền với phương châm “sâu, rộng, hiệu quả, sát thực tiễn, sát đối tượng”; trong đó, lấy tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên báo chí là trọng tâm. Để đạt hiệu quả, Quân chủng yêu cầu nội dung tuyên truyền phải toàn diện, song tập trung vào những vấn đề cơ bản về: Luật Biển Việt Nam; Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; các hiệp định phân định ranh giới trên biển; một số hoạt động của nước ngoài trên Biển Đông; cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những động thái mới của nước ngoài trên Biển Đông; nhất là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề trên biển, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, không dao động trước sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch.

Về hình thức phối hợp tuyên truyền miệng, các cơ quan, đơn vị cần chủ động trao đổi với địa phương xác định nội dung, phương pháp, đối tượng để xây dựng kế hoạch tuyên truyền; nghiên cứu, soạn thảo, cung cấp thông tin cho các đơn vị phối hợp; lựa chọn cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để giao nhiệm vụ. Báo cáo viên phải nghiên cứu, nắm chắc những vấn đề địa phương đang cần để chuẩn bị về nội dung, luyện tập phương pháp và được chỉ huy phê duyệt trước khi thực hành tuyên truyền; bảo đảm đúng đường lối, đúng đối tượng, tính chiến đấu cao và nhiều thông tin số liệu thực tế để minh chứng, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu. Trong phối hợp tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, phải chủ động trao đổi, thống nhất với cơ quan truyền thông tổ chức cho phóng viên, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh đến các đơn vị trong Quân chủng và các vùng biển, đảo thực hiện viết tin bài, phóng sự đăng trên các báo, đài, trang tin; xây dựng các chuyên mục hấp dẫn, sâu sắc, như: “Biển, đảo Việt Nam”, “Tâm tình nơi biên giới và hải đảo”, “Biên giới biển, đảo quê hương”, v.v. Đồng thời, tổ chức giao lưu nghệ thuật: “Hướng về biển, đảo quê hương”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn”, “Xuân biên giới, tết hải đảo”,... tạo động lực tinh thần để quân - dân trên các đảo, nhà giàn quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đối với Báo Hải quân, cần tiếp tục duy trì nền nếp việc trao đổi, cung cấp thông tin; hằng tháng gửi “Chuyên mục truyền hình Hải quân” đến 63 tỉnh, thành phố để phối hợp tuyên truyền, định hướng dư luận trước những thông tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình Biển Đông của các thế lực thù địch.

Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn hướng về biển, đảo được Quân chủng xác định là nội dung trọng điểm cần tiếp tục triển khai thực hiện thông qua các hình thức của công tác dân vận, chính sách. Các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương tổ chức chu đáo cho các đoàn đại biểu Trung ương, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và kiều bào đi thăm Trường Sa, nhà giàn DK1 và các đảo trên vùng biển Tây Nam. Thực hiện tốt công tác này sẽ trực tiếp bồi dưỡng tình cảm, nâng cao nhận thức, thúc đẩy giao lưu, làm cho Trường Sa, nhà giàn DK1 gần hơn với đất liền; giúp thành viên các đoàn nắm bắt thực tiễn, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, địa phương giải pháp phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động giúp dân xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện hiệu quả chương trình “Quân chủng Hải quân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vùng biển, đảo vững mạnh. Các vùng Hải quân và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn trực tiếp phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển đẩy mạnh chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; trong đó, tập trung nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; kịp thời cấp cứu, giúp đỡ ngư dân trên biển; hỗ trợ vật tư thiết yếu cho ngư dân. Đẩy mạnh hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” đối với con ngư dân dưới 18 tuổi mồ côi cha, mẹ; cha, mẹ bị bệnh tật, tai nạn trong quá trình lao động sản xuất trên biển dẫn đến mất khả năng lao động trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển, làm lan tỏa, ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.

Để công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữ vững được sự ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu, Quân chủng yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động trao đổi, làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy tổ chức rút kinh nghiệm theo hình thức luân phiên, bảo đảm cụ thể, tiết kiệm, hiệu quả. Sau mỗi nhiệm vụ, mỗi đợt tuyên truyền, nhanh chóng phối hợp tổ chức rút kinh nghiệm; duy trì nền nếp sơ kết và tổng kết năm, giai đoạn; đánh giá đúng thực chất kết quả, ưu điểm và những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần đưa công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo ngày càng đạt kết quả thực chất, vững chắc.

Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo là một phương thức quan trọng trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với vai trò nòng cốt, Quân chủng Hải quân không ngừng đề cao tinh thần tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quan trọng này, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc ĐỖ VĂN YÊN, Phó Chính ủy Quân chủng
________________

1 - Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 947-CT/ĐU, ngày 23/4/2018 của Đảng ủy Quân chủng về “Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong công tác tuyên truyền về biển, đảo”, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)