QPTD -Thứ Hai, 17/02/2020, 07:51 (GMT+7)
Phát triển khoa học, công nghệ biển

Khoa học, công nghệ biển là bộ phận của khoa học, công nghệ quốc gia, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển nói riêng. Cùng với điều tra cơ bản về biển, khoa học, công nghệ biển là vấn đề then chốt, đi trước một bước, là phương tiện, động lực làm thay đổi cả chất và lượng quá trình khai thác, sử dụng biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay.

Những năm qua, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 01-11-2012 về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ biển đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng sâu khoa học, công nghệ vào thực tiễn các ngành, lĩnh vực biển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt trong chế biến thủy sản; sản xuất giống thủy sản; bảo vệ môi trường, chống xói lở bờ biển; ứng dụng công nghệ làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản; ứng dụng công nghệ viễn thám, quan trắc giám sát chất lượng nước; chế tạo thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương; xây dựng cơ sở dữ liệu về các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật biển; điều kiện địa chất, địa hình và tài nguyên khoáng sản biển, hiện trạng môi trường biển, sưu tầm các tư liệu về biển, đảo,... để phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực, các ngành kinh tế biển cần được mở rộng, phát triển, quan tâm đầu tư thích đáng, toàn diện cả bề rộng, chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Trước mắt, cần tập trung quán triệt, hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng về phát triển khoa học, công nghệ biển mà Nghị quyết 36-NQ/TW (khóa XII) đã đề ra. Cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế biển; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới vào quá trình nghiên cứu, hoạt động ở các lĩnh vực liên quan biển và hải đảo. Tập trung nghiên cứu các chương trình, đề tài ứng dụng khoa học, công nghệ cho các ngành kinh tế biển; chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành (thủy sản, dầu khí, vận tải hàng hải, du lịch,…), gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ biển; quy hoạch không gian biển, các khu kinh tế ven biển theo mô hình: cảng - đô thị - biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập và áp dụng kinh nghiệm đầu tư, quản lý công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ biển của các nước tiên tiến; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm nguồn tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại,… làm tiền đề phát triển nhanh, bền vững, lâu dài ngành khoa học, công nghệ biển.

Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ thiết thực góp phần đưa khoa học, công nghệ biển phát triển lên tầm cao mới, thật sự là phương tiện, động lực phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Đức Phú thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)