QPTD -Thứ Năm, 15/06/2023, 08:00 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Núi chúa - khu dự trữ sinh quyển đa dạng sinh học

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) nằm cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 20 km về phía Bắc, có diện tích tự nhiên hơn 100.000 ha (bao gồm cả phần đất liền và vùng biển ven bờ), được phân thành 03 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp; với chức năng cơ bản là: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục và văn hóa. Đây là khu vực có hệ sinh thái thiên nhiên đặc biệt phong phú, bao gồm các loài động vật, thực vật quý hiếm, cùng cảnh quan thiên nhiên mang những nét đặc trưng riêng biệt của vùng khí hậu khô hạn ven biển miền Trung, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và kinh tế biển; đồng thời, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, nằm trong thế phòng thủ hướng biển của Tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.

Với vị trí địa lý đặc thù và điều kiện khí hậu khắc nghiệt (lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 700 - 800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng) đã tạo nên sự đa dạng sinh học hiếm có của Núi Chúa. Theo các nghiên cứu khoa học, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có khoảng 765 loài động vật, hơn 1.500 loài thực vật; trong đó có 46 loài động vật và 54 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Trong đó, nhiều loài hiện đang được ưu tiên bảo tồn, như: gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng, v.v. Đặc biệt, Khu dự trữ có quần thể Voọc Chà Vá chân đen quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn, sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với sự đa dạng sinh học ở trên đất liền, vùng biển của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn có các rạn san hô đa dạng về chủng loại với khoảng 350 loài; trong đó, có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ; có 46 loài san hô mới được ghi nhận và phân loại tại Việt Nam. Bên cạnh đó, vùng biển này là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản hằng năm, hiện đang được Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ có tiềm năng đặc biệt quan trọng cùng với sự đa dạng sinh học mang những nét đặc trưng, năm 2021, Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bên cạnh sự đa dạng sinh học, nơi đây còn có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa, đặc biệt là văn hóa Chăm. Các công trình kiến trúc tháp Chăm huyền bí gắn với lễ hội của người Chăm cùng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghinăng, tiếng đàn Baranưng, điệu múa Apsara; làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc có truyền thống lâu đời,... đang được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ, góp phần thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập, trải nghiệm, mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân trong vùng.

Nằm trong quy hoạch không gian biển quốc gia và tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, trong tương lai không xa, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa sẽ ngày càng phát triển, nhất là việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo đảm tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện: CAO VƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)