QPTD -Thứ Ba, 28/04/2020, 16:41 (GMT+7)
Những nét chính về xây dựng Hải đội dân quân thường trực
Việt Nam là quốc gia biển, có vùng biển tiếp giáp với 09 quốc gia và vùng lãnh thổ1, có trên 3.260 km bờ biển và vùng biển rộng trên 01 triệu ki-lô-mét vuông với hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ; đặc biệt, có 02 quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa. Tính đến năm 2018, cả nước có gần 30 cơ quan hành chính cấp tỉnh, hơn 100 cấp  huyện và gần 700 xã ven biển, trong đó có vài chục huyện đảo, xã đảo. Vùng biển, đảo nước ta, đặc biệt là Biển Đông, có vị trí địa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh hết sức quan trọng, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển.

Những năm qua, trước việc tàu thuyền nước ngoài ngày càng gia tăng các hoạt động vi phạm lãnh hải, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ biển trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cao, trong khi dân quân tự vệ biển chỉ có lực lượng tại chỗ, rộng rãi ở các xã ven biển, xã đảo, phụ thuộc vào các chủ tàu cá của ngư dân, hoạt động chủ yếu ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, chưa có lực lượng cơ động chuyên trách, tàu thuyền, vũ khí, trang bị và công cụ chuyên dụng duy trì chấp pháp trên biển, nhất là vùng biển khơi, vùng biển có tranh chấp.

Để khắc phục thực trạng đó và hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, năm 2018, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng, trình Chính phủ Đề án “Xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới” và triển khai thực hiện trong thực tiễn. Hải đội dân quân thường trực là bộ phận của lực lượng Dân quân tự vệ biển, ngoài nhiệm vụ chung, Hải đội dân quân thường trực còn có nhiệm vụ tuần tra, quan sát, trinh sát, thu thập, xử lý thông tin trên không, trên biển; khẳng định chủ quyền biển, đảo, kết hợp khai thác thủy sản, hải sản, dịch vụ nghề cá, bảo vệ tài sản của Nhà nước, Nhân dân, tài nguyên, môi trường biển; đồng thời, thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền. Trong đó, thống nhất chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương đều phải xây dựng Hải đội dân quân thường trực. Hiện nay, Quân đội đang phối hợp với một số tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm giai đoạn đầu, làm cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng triển khai giai đoạn tiếp theo.

Để phát huy tốt vai trò của Hải đội dân quân thường trực, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố ven biển cần phối hợp chặt chẽ với Quân đội, trực tiếp là Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng Tham mưu tổ chức lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các Hải đội dân quân thường trực; thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính quyền Hải đội. Xây dựng, triển khai thực hiện và từng bước hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, hoạt động và phối hợp hoạt động với các lực lượng; tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ phương tiện tàu thuyền và các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ chuyên dụng. Đồng thời, bảo đảm tốt chế độ, chính sách, quan tâm đầu tư kinh phí cùng với Trung ương xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên cho các Hải đội dân quân thường trực.

Thực hiện tốt những nội dung trên chính là thiết thực góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển; ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc gắn với phát triển bền vững kinh tế biển.

Nguyễn Đức Phú thực hiện
________________

1 - Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia, Philippines, Brunei, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Đài Loan.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)