QPTD -Thứ Hai, 13/03/2017, 11:41 (GMT+7)
Nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam

Theo thống kê hằng năm, kinh tế biển ở nước ta chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, lĩnh vực khai thác thủy sản đã thu hút trên một triệu lao động, với hàng trăm nghìn lượt tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên các vùng biển. Điều đáng nói là, hoạt động khai thác thủy sản (nhất là trên các vùng biển xa), với sự hiện diện thường xuyên của ngư dân ta không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và giữ vững quốc phòng - an ninh trên các vùng biển của Tổ quốc. Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển hiện nay đã, đang diễn ra hết sức phức tạp, với không ít hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là hủy hoại ngư trường, môi trường biển của các tổ chức, cá nhân cả ở trong nước và nước ngoài.

 Tàu kiểm ngư KN-782 là tàu hiện đại nhất Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình đó, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam ra đời và được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước. Đây là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Để hoạt động của lực lượng này đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực và tuân thủ đúng pháp luật, ngày 29-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2012/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam. Theo đó, tại Điều 4 của Nghị định quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm ngư, với các nội dung cụ thể sau:

“1. Tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công, phân cấp.

2. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.

5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản.

6. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

7. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm ngư viên, công chức, viên chức và Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

9. Thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật”.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Kiểm ngư, các tổ chức, cá nhân và toàn dân triển khai thực hiện, góp phần duy trì, thực thi nghiêm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển của Tổ quốc.

Đình Duy thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)