QPTD -Thứ Hai, 14/03/2016, 08:16 (GMT+7)
Nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển của nước ta

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình các mặt, nhất là về tiềm năng, lợi thế, các bài học thành công và những thách thức đối với phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp có tính căn cốt để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển.

Theo đó, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài để phát triển kinh tế biển là hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế hướng biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển; phát triển kinh tế biển gắn với quản lý và bảo vệ biển, đảo. Trước mắt, đến năm 2020, Đảng ta xác định: tiếp tục phát triển thành công, có bước đột phá đối với các ngành kinh tế biển, ven biển, như: khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hàng hải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế biển, đảo; xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung,… gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; tạo điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho những người dân sinh sống ở những vùng thường bị thiên tai; xây dựng các cơ sở bảo vệ môi trường biển.

Khu vực nội thành thành phố Cam Ranh. (Ảnh: khanhhoa.gov.vn)

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đề ra nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ; trước hết, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các lực lượng và toàn dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; trong đó, chú trọng xây dựng các tổ chức dân cư sản xuất, định cư trên các đảo và làm ăn dài ngày trên biển.

3. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển theo hướng hiện đại gắn với xây dựng, quản lý tốt cơ sở dữ liệu biển quốc gia nhằm phục vụ công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng cũng như khả năng giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa, thiên tai, sự cố môi trường biển.

4. Triển khai có hiệu quả quy hoạch khai thác, sử dụng biển và hải đảo ở các cấp độ khác nhau; lấy đó làm cơ sở để phân bổ nguồn lực, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với từng ngành, địa phương.

5. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về biển, đảo, nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển cùng các cơ chế, chính sách, chế tài,… tạo cơ sở pháp lý trong quản lý, khai thác, sử dụng các vùng biển, đảo.

6. Tăng cường hội nhập quốc tế để vừa thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, vừa tranh thủ hợp tác trong phòng ngừa và thực thi các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến vùng ven biển và hải đảo.

Trên đây là các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, nhằm đưa kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

VĂN DOANH thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)