QPTD -Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:43 (GMT+7)
Nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam

Theo Điều 13 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý,… nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Các trường hợp dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát, gồm: (1) Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; (2) Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; (3) Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; (4) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; (5) Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật. Khi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cảnh sát biển Việt Nam phải thể hiện màu sắc của tàu, thuyền, máy bay và phương tiện khác; cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết và trang phục theo quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.

Ngày 11/02/2019, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BQP quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thực hiện theo nguyên tắc ngăn chặn, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Thẩm quyền quyết định lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, lần lượt là: Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định người chỉ huy, thành phần và trang bị của lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thuộc các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam khi tình hình trên biển phức tạp, có yếu tố nước ngoài, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều lực lượng; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển quyết định người chỉ huy, thành phần và trang bị của lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các đơn vị thuộc quyền thực hiện trong vùng biển quản lý; Cục trưởng Cục nghiệp vụ và Pháp luật quyết định người chỉ huy, thành phần và trang bị của lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các cơ quan thuộc quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Người chỉ huy lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát là cán bộ chỉ huy biên đội trong trường hợp hoạt động theo đội hình biên đội tàu, xuồng hoặc là thuyền trưởng theo đội hình đơn tàu, xuồng.

Lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, gồm: cán bộ, chiến sĩ biên chế trên tàu, xuồng và máy bay của Cảnh sát biển Việt Nam; cán bộ, chiến sĩ nghiệp vụ pháp luật, lực lượng phối thuộc hoặc phối hợp và người được huy động. Phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, gồm: tàu, xuồng, máy bay và các trang bị trong biên chế của Cảnh sát biển Việt Nam; tàu, thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự khi được huy động theo quy định tại Điều 16 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018. Ngoài ra, theo yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể từng lần tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người chỉ huy lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quyết định số lượng, thành phần, trang bị, tàu, xuồng của lực lượng. Tổ kiểm tra, kiểm soát là một bộ phận thuộc lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam. Trên mỗi tàu, xuồng Cảnh sát biển Việt Nam tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phải có ít nhất 01 tổ kiểm tra, kiểm soát. Mỗi tổ có ít nhất 03 cán bộ, chiến sĩ, trong đó phải có ít nhất 01 cán bộ nghiệp vụ pháp luật. Thành phần tổ kiểm tra, kiểm soát, gồm: cán bộ, chiến sĩ nghiệp vụ pháp luật, thông tin, hàng hải, máy tàu, cảnh giới được biên chế trên tàu, xuồng Cảnh sát biển và lực lượng phối thuộc hoặc phối hợp.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Phạm Bình thực hiện

 

Ý kiến bạn đọc (0)