QPTD -Thứ Tư, 22/09/2021, 10:14 (GMT+7)
Ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển nâng cao chất lượng công tác

Thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, những năm gần đây, Ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển đã được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của khu vực, thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, yêu cầu, nhiệm vụ các lực lượng ngày càng tăng, tính chất khẩn trương, nguy hiểm; cường độ, tần suất hoạt động của vũ khí, trang bị lớn; công tác bảo đảm trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ; vũ khí, trang bị sử dụng trong môi trường biển nhanh xuống cấp, khối lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tăng cao. Trong khi đó, các đơn vị đóng quân phân tán khó phối hợp, hỗ trợ; lực lượng kỹ thuật có nơi còn mỏng, trình độ không đồng đều; tính chất bảo đảm kỹ thuật phức tạp, khẩn trương; phải chia sẻ năng lực để hỗ trợ ngư dân bám biển, v.v. Trước thực tế đó, Cục Kỹ thuật luôn chủ động nắm chắc nhiệm vụ, đánh giá cụ thể thực trạng, chỉ đạo toàn Ngành tích cực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các mặt công tác kỹ thuật; hoàn thành tốt các dự án và nội dung, mục tiêu của chương trình đồng bộ, nâng cấp, cải tiến vũ khí, trang bị; bảo đảm tốt phương tiện cho các lực lượng thường xuyên ứng trực, tuần tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ ngư dân; hợp tác quốc tế; phòng, chống ô nhiễm môi trường biển; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải,... góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thượng tá Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật khai mạc
lớp huấn luyện kíp xuồng Metal Shark

Trước hết, Ngành tập trung thực hiện mục tiêu “3 mạnh”: tham mưu đề xuất; theo dõi chỉ đạo; kiểm tra, đôn đốc. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 120-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ Tư lệnh về lãnh đạo xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW, ngày 29/11/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân  ủy Trung ương) và chỉ lệnh, hướng dẫn về công tác kỹ thuật, Cục đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh xây dựng, ban hành Quy định số 2362/QĐ-BTL về thực hiện Ngày kỹ thuật, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện trong toàn lực lượng. Trọng tâm là điều chỉnh bố trí đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật bảo đảm cân đối giữa các cơ quan, đơn vị; ưu tiên tăng cường lực lượng cho đơn vị ở xa, phương tiện hiện đại, nhiều nhiệm vụ đột xuất, nguy hiểm. Đồng thời, chủ động quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp đủ số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao; chuẩn hóa về chuyên môn, tay nghề theo vị trí công tác; coi trọng cán bộ, thợ kỹ thuật đầu ngành, mũi nhọn, giỏi ở các trạm, xưởng, đơn vị cơ sở. Ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các chương trình, dự án cải tiến, nâng cấp, mua sắm vũ khí, trang bị gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50, bảo đảm nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật.. Chú trọng xây dựng, kiện toàn, luyện tập các phương án, kế hoạch bảo đảm kỹ thuật, dự trữ đạn dược, vật chất cho sẵn sàng chiến đấu; chống nước ngoài khảo sát, thăm dò, hạ đặt giàn khoan trái phép. Duy trì nghiêm chế độ kiểm tra, quản lý, bảo đảm an toàn vũ khí, trang bị, kho tàng, đạn dược và an toàn giao thông,... kịp thời khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về vị trí, vai trò của công tác kỹ thuật đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị; nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng, huy động đông đảo quân nhân, người lao động tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện công tác kỹ thuật.

Hai là, tăng cường xây dựng nền nếp chính quy công tác kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, Ngành đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm cho cán bộ chủ trì, phòng, ban chuyên ngành trong chỉ đạo các mặt công tác kỹ thuật; gắn trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định, quy trình quản lý, khai thác vũ khí, trang bị; thống nhất nền nếp chính quy, chế độ công tác, tinh giản hệ thống sổ sách; duy trì chế độ kiểm kê, xuất, nhập vũ khí, trang bị, nhất là đối với đạn dược; thường xuyên cập nhật số liệu, liên thẩm, đối chiếu toàn Ngành với cơ quan quân lực và điện tử hóa số liệu; xây dựng, củng cố kho, xưởng, khu kỹ thuật, nhà điều hành,... đảm bảo các hoạt động kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả, quản lý chính xác số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị. Tích cực củng cố, bổ sung vật chất quản lý của cơ quan, cơ sở kỹ thuật; đổi mới lề lối làm việc, tinh thần thái độ phục vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác; luân chuyển xây dựng đơn vị điểm,... bảo đảm nền nếp chính quy đồng đều, vững chắc, tạo động lực để đơn vị phấn đấu đưa công tác kỹ thuật phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả. Cùng với đó, Ngành tập trung nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị, nhất là sau huấn luyện, làm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm chế độ bảo dưỡng định kỳ, bảo dưỡng tăng cường, đột xuất, nhất là trước khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Duy trì nền nếp ngày, giờ kỹ thuật với quân số cao nhất; thực hiện 100% các nội dung bảo quản theo quy định kết hợp kiểm tra, phát hiện kịp thời các hư hỏng bất thường và luân chuyển, bổ sung nhiên liệu, vật tư sẵn sàng làm nhiệm vụ. Để đạt hiệu quả cao, Ngành thực hiện theo phân cấp, nhiều hạng mục vượt cấp theo yêu cầu thực tế; đổi mới quá trình lập kế hoạch, khảo sát, theo dõi, nghiệm thu; thực hiện nghiêm quy trình công nghệ; bổ sung dụng cụ, phụ tùng. Liên kết với các cơ sở sửa chữa trong, ngoài Quân đội trên địa bàn để nâng cao năng lực hoạt động. Phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong bảo dưỡng, sửa chữa; rà soát, điều chỉnh hạn mức bảo đảm kỹ thuật, biên soạn tài liệu hướng dẫn tiêu chuẩn quân sự đối với từng loại vũ khí, trang bị, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, sản xuất vật tư, đồng bộ và nghiên cứu, sử dụng vật liệu mới. Giai đoạn 2015 – 2020, Ngành bảo đảm tốt cho 2.500 lượt tàu/60 vạn hải lý, ô tô hoạt động trên 13 triệu ki-lô-mét an toàn; sửa chữa, đồng bộ 192 lượt tàu, thuyền, 172 lượt ô tô; sửa chữa trên 3.500 hạng mục, có 300 hạng mục vượt cấp, đại tu 06 máy M503; xây mới 07 kho, trạm, nhà điều hành,... bảo đảm cất giữ vũ khí, trang bị đúng quy định, duy trì hệ số chung Kt ≥ 0,85, nhóm sẵn sàng chiến đấu có K­t = 1,0.

Huấn luyện khai thác xuồng Metal Shark

Ba là, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện kỹ thuật và hoạt động khoa học - công nghệ. Để làm chủ vũ khí, trang bị mới, bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ, Ngành kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, bồi dưỡng tại chỗ với đề xuất cử đi đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện, tập huấn kỹ thuật, thi nâng bậc hằng năm. Tập trung huấn luyện cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật giỏi một chức trách và biết nhiều chức trách khác, nhất là cán bộ mới ra trường, đối tượng chuyển loại để sẵn sàng kiêm nhiệm, thay thế. Nội dung huấn luyện đi sâu vào quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa; chuẩn đoán, khắc phục các bệnh hỏng thường gặp; lái tàu thuyền trong đêm, thời tiết phức tạp; chuyển giao công nghệ và sử dụng tàu, xuồng đóng mới. Gắn bồi dưỡng lý thuyết với thực hành bảo dưỡng, sửa chữa; truyền thụ kinh nghiệm công tác; biên soạn, hiệu đính tài liệu khai thác; thảo luận, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật; động viên cán bộ, nhân viên đề cao tự học, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu theo yêu cầu công việc. Qua đó, phát hiện, quy tụ nhân lực kỹ thuật chất lượng cao có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Mặt khác, Ngành thường xuyên tổ chức các cuộc hội thi, như: mô hình học cụ, tàu tốt, giáo án điện tử kỹ thuật, thợ giỏi,... tạo phong trào thi đua, phát huy sự sáng tạo và làm tiền đề tham gia các hội thi toàn quân. Giai đoạn 2015 - 2020, Ngành huấn luyện 69 kíp tàu, xuồng; tổ chức 40 hội thi các cấp; 08 cá nhân và tập thể đoạt giải trong các cuộc hội thi kỹ thuật toàn quân; tham gia 03 đề tài cấp Nhà nước và Bộ; hoàn thành 137 đề tài, sáng kiến; biên soạn 18 bộ tiêu chuẩn quốc gia, 74 tài liệu huấn luyện, khai thác vũ khí, trang bị. Đến nay, 100% cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên, gần 100% nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bốn là, tích cực tham gia bảo đảm trang bị và thực hiện tốt dự án được giao. Ngành phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm quy trình quản lý, điều chuyển, thanh lý vũ khí, trang bị; quản lý, thực hiện các dự án, như: đóng tàu, mua máy bay tuần thám, mua trang bị kỹ thuật,... kịp thời điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp bảo đảm chất lượng, tiến độ. Quá trình thực hiện, Ngành thường xuyên cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật bám sát nhà máy, theo dõi quy trình, chất lượng thi công; nắm bắt, phản ánh các nội dung phát sinh với cấp có thẩm quyền để kịp thời giải quyết. Đầu năm 2021, Cục xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 73-NQ/ĐU về triển khai Đề án 324-KT trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bởi vậy, Cục đã cụ thể hóa các quy định, kế hoạch của trên theo hướng “cơ bản, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện đề án, sử dụng ngân sách; thành lập hội đồng thực hiện; làm tốt công tác phối hợp gữa các cơ quan, đơn vị, nhà máy; khảo sát, lựa chọn đối tác, nguồn hàng, đấu thầu, ký hợp đồng; nghiệm thu từng nội dung thực hiện,... bảo đảm đúng quy định, tiến độ, chất lượng. Ngoài ra, Ngành tham mưu cho cơ quan chức năng đầu tư, đóng mới 04 gam tàu có lượng giãn nước lớn; xây dựng kế hoạch tham gia các hội thảo, đàm phán lựa chọn đối tác, ký hợp đồng đóng mới các gam tàu theo đúng quy định. Từ năm 2014 đến nay, Ngành tham gia nghiệm thu tiếp nhận, đưa vào sử dụng 25 tàu, 44 xuồng, 01 máy bay tuần thám, 81 ô tô, gần 100 tấn vũ khí, đạn dược và nhiều trang bị; giám sát đóng mới 20 tàu, 36 xuồng; tham gia mở mới các dự án đóng 48 tàu các loại, v.v.

Cùng với các biện pháp trên, Ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển tích cực đôn đốc, kiểm tra và phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện Cuộc vận động 50, gắn thực hiện các nội dung Cuộc vận động với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào Thi đua Quyết thắng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng, góp phần nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Thượng tá NGUYỄN QUANG HÙNG, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)