QPTD -Thứ Năm, 14/04/2016, 07:47 (GMT+7)
Một số thành tựu chủ yếu về kinh tế biển
Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng do triển khai đồng bộ các giải pháp, kết hợp với các lợi thế về tài nguyên hải đảo, kinh tế biển nước ta đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng. Quy mô kinh tế biển không ngừng tăng lên và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Trong đó, các ngành kinh tế biển truyền thống, như: thủy sản, hàng hải, du lịch,… có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đội tàu biển tương đối hùng hậu, ngành Hàng hải đã thiết lập, đưa vào sử dụng hàng trăm cảng biển lớn, nhỏ với năng lực hàng hóa lưu thông gần 100 triệu tấn/năm. Các lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu thuyền, vận tải biển, xuất khẩu thuyền viên,… đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Hằng năm, ngành Du lịch biển thu hút khoảng 15 triệu lượt du khách; trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách nước ngoài, chiếm 73% tổng số du khách nước ngoài của cả nước, đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 15 vạn lao động.

Cùng với ngành, nghề kinh tế biển truyền thống, các lĩnh vực kinh tế mới, có giá trị cao và mang tính chiến lược, như: khai thác và chế biến dầu khí, chế biến thủy sản, kinh tế ven biển, kinh tế đảo,… được ra đời đã, đang trở thành mũi nhọn của nền kinh tế đất nước. Từ năm 1987 đến nay, chúng ta đã ký kết gần 80 hợp đồng khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài, đưa sản lượng khai thác dầu thô tăng bình quân 30%/năm. Riêng năm 2010, ngành Dầu khí đạt doanh thu trên 478 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% GDP cả nước. Các ngành kinh tế ven biển có liên quan trực tiếp đến khai thác tài nguyên biển, như: chế biến dầu khí, thủy sản, thông tin liên lạc, điện gió,… cũng có bước phát triển vượt bậc, mở ra tiềm năng lớn. Đặc biệt, trong quá trình phát triển, bước đầu hình thành 15 khu kinh tế ven biển, trải dài từ Bắc xuống Nam. Đây là những trung tâm phát triển kinh tế hướng biển với tổng hợp các ngành, nghề, như: hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học biển,… đã, đang tạo ra động lực để phát triển kinh tế biển trên từng khu vực và cả nước.

Thời gian qua, sự xuất hiện, phát triển của kinh tế đảo ngày càng tăng lên và trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mới đầy triển vọng. Đến nay, trong tổng số 12 huyện đảo đã có 66 đảo có dân sinh sống với quy mô khoảng gần 250.000 người. Ở một số đảo đã xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản, thiết yếu, như: hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, y tế, trường học, v.v. Các đảo gần bờ đã có điện lưới, xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt. Nhiều đảo đã, đang phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển, như: Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc, v.v.

Bên cạnh đó, với hàng chục khu bảo tồn thiên nhiên; khu rừng văn hóa lịch sử và môi trường; khu dự trữ sinh quyển ven biển và trên các đảo đã, đang tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế sinh thái biển, phục vụ đời sống con người. Ngoài ra, phát triển kinh tế biển còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước, nhất là việc hợp tác khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học biển cùng các dự án hợp tác song phương, đa phương về biển với các nước có liên quan, góp phần tạo thế đan xen lợi ích và sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Như vậy, có thể khẳng định, những thành tựu về kinh tế biển nêu trên đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Đó còn là cơ sở, tiền đề cho các giai đoạn phát triển tiếp sau, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ĐỨC QUYỀN thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)