Thứ Ba, 10/09/2024, 14:57 (GMT+7)
Biến đổi khí hậu, mà trực tiếp là mực nước biển dâng cao đã, đang là thách thức lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội con người. Đặc biệt, đối với nước ta với gần 50% dân số sinh sống ở các vùng đất thấp thì ảnh hưởng đó lại càng nghiêm trọng. Bởi vậy, để giảm thiểu thiệt hại, tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế thấp nhất các rủi ro, đòi hỏi chúng ta cần có giải pháp tổng thể và lộ trình phù hợp. Hiện nay, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn cũng như tác động của nước biển dâng ở một số quốc gia trên thế giới, các nhà khoa học đã đưa ra ba nhóm giải pháp chính:
Thứ nhất, vận dụng giải pháp bảo vệ “cứng” và “mềm” trong ứng phó với nước biển dâng. Theo đó, các giải pháp “cứng” được triển khai theo hướng: can thiệp vật lý, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, như: đập ngăn nước mặn, các bức tường biển, gia cố các tuyến đê, kè ngăn nước, v.v. Còn các giải pháp bảo vệ “mềm” chú trọng việc thích ứng dựa vào hệ sinh thái, như: tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn, v.v.
Thứ hai, sử dụng giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong đó, nhấn mạnh đến việc chuyển đổi tập quán canh tác, điều chỉnh các chính sách quản lý, bao gồm những phương pháp quy hoạch đón đầu, thay đổi các tiêu chuẩn xây dựng, sử dụng đất, các tiêu chí về bảo vệ môi trường,... nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương, tăng cường khả năng thích nghi với nước biển dâng cao của cộng đồng.
Thứ ba, vận dụng giải pháp di dời. Đây là phương án cuối cùng, khi mực nước biển dâng lên mà không có điều kiện cơ sở vật chất để ứng phó. Theo đó, cần né tránh tác động của nước biển dâng bằng tái định cư, di dời nhà cửa, cơ sở hạ tầng ra khỏi vùng có nguy cơ bị ngập.
Từ các giải pháp cơ bản nêu trên và căn cứ vào tình hình thực tiễn ở từng trọng điểm về nước biển dâng, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, hầu hết các tỉnh ven biển đã xây dựng được một số tuyến đê với hình thức: dưới bê tông, trên kết cấu bằng kè. Điển hình là tỉnh Nam Định, tại những tuyến đê đặc biệt xung yếu của 03 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy đã hoàn thiện đê cấp 1. Tại thành phố Hồ Chí Minh, với Đề án “Phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”, Thành phố sẽ tiến hành di dời, xây dựng hệ thống bến cảng ở ven biển, còn khu dân cư tập trung sâu trong đất liền; giữa hai khu vực này sẽ được ngăn cách bởi tuyến đê chắn biển. Trước hết, Thành phố đã đầu tư xây dựng 63 công trình chống triều cường, sạt lở. Tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2015 đến năm 2017 đã trồng gần 2.000 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phục hồi hơn 600 ha và khoán bảo vệ hơn 3.000 ha rừng ngập mặn; đồng thời, sẽ nâng cấp, xây dựng mới trên 600 km đê biển và trên 700 km đê cửa sông. Riêng tỉnh Cà Mau - địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất về sạt lở bờ biển, hiện đã có nhiều biện pháp gia cố các tuyến đê và khôi phục nhiều diện tích rừng ngập mặn, trong đó có biện pháp khuyến khích bảo vệ rừng kết hợp với nuôi tôm nước mặn, nâng độ che phủ của rừng từ 39% lên 44%.
Các kết quả trên đã góp phần quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, không chỉ giải quyết trong một sớm, một chiều, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với địa bàn ven biển.
Nguyễn Văn Sử thực hiện
nước biển dâng,giải pháp,ứng phó
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 29/07/2024
Vùng Cảnh sát biển 2 đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển 15/07/2024
Vùng 2 Hải quân đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng 17/06/2024
Giải pháp thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 13/06/2024
Nội dung chủ yếu về Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 28/05/2024
Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật trên biển 09/05/2024
Hải đoàn Biên phòng 38 tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển 26/04/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu