Thứ Năm, 24/04/2025, 17:33 (GMT+7)
Để hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã xác định một số chủ trương lớn và khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
1. Một số chủ trương lớn. Thứ nhất, phát triển kinh tế biển và ven biển. Nghị quyết xác định, đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Về kinh tế ven biển, Trung ương chủ trương phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; trong đó, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Thứ hai, phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trọng tâm tập trung quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế biển, ven biển (phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ), bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển. Thứ ba, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Trong đó, đề cao việc phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường biển, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, v.v. Thứ tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển. Nghị quyết định hướng, không ngừng nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển, trên đảo và người lao động trên biển; chú trọng phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với biển, cũng như bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng. Thứ năm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Trong đó, chú trọng xây dựng và nâng cao năng lực bảo vệ, thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển. Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương, v.v.
2. Các khâu đột phá. Nghị quyết xác định ba khâu đột phá: (1) Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. (2) Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. (3) Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển, dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.
Quán triệt, nắm vững các chủ trương lớn, khâu đột phá mà Trung ương đã xác định là cơ sở để các cấp, ngành, địa phương, nhất là các địa phương ven biển cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Thông qua đó, thiết thực phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước cả trước mắt và lâu dài.
Nguyễn Đức Phú thực hiện
kinh tế biển,đến năm 2030,chủ trương lớn,khâu đột phá
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng trong phòng, chống IUU 24/04/2025
Hải đoàn 42 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật 14/04/2025
Vùng 2 Hải quân xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vững chắc 20/03/2025
Vùng 5 Hải quân đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng 13/03/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm 27/02/2025
Cát Bà - Khu dự trữ sinh quyển đa dạng sinh học 13/02/2025
Vùng Cảnh sát biển 1 nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới 06/02/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tích cực đấu tranh chống khai thác IUU 16/01/2025
Bốn trọng tâm trong xây dựng Vùng Cảnh sát biển 3 vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 06/01/2025
Gặp mặt báo chí giới thiệu về Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai, năm 2024 12/12/2024
Hải đoàn 42 nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng trong phòng, chống IUU