QPTD -Thứ Hai, 07/11/2022, 08:06 (GMT+7)
Lữ đoàn 171 nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu

Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu là nhiệm vụ quan trọng, mục tiêu xuyên suốt của các cơ quan, đơn vị toàn quân, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây cũng là nội dung cấp thiết, đã và đang được Đảng ủy, chỉ huy Lữ 171, Vùng 2 Hải quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền; tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thảm họa, thiên tai trên vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những năm gần đây, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, nhiệm vụ của Vùng và Lữ đoàn gặp nhiều thách thức mới, yêu cầu cao. Trong khi đó, các đơn vị của Lữ đoàn đóng quân phân tán, thường xuyên hoạt động độc lập; vũ khí, trang bị, tàu thuyền phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp, thiếu đồng bộ; chế độ canh, trực rất nghiêm ngặt; hậu phương, gia đình của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ còn gặp khó khăn, v.v. Trên cơ sở nhận thức đúng tình hình, chức năng, nhiệm vụ được giao cùng những khó khăn, thách thức, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lữ đoàn xác định củng cố, tăng cường nền tảng chính trị, tinh thần, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị là cơ sở quan trọng, quyết định sức mạnh tổng hợp. Xuất phát từ đặc thù của Lữ đoàn phải thực hiện nhiệm vụ trong môi trường có tính độc lập cao, trực tiếp đối mặt, xử lý các tình huống phức tạp, hiểm nguy, nên việc xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ huy của cấp trên, tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để thực hiện tốt nội dung này, Lữ đoàn tập trung đột phá vào hai khâu: “Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ” và “nắm, dự báo, quản lý, giải quyết tốt tư tưởng”. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các mặt hoạt động, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Lữ đoàn yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp quán triệt sâu, kỹ để bộ đội nắm vững đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là quan điểm, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” và nhiệm vụ của Quân chủng, của Vùng, Đơn vị. Thường xuyên thông báo những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, khu vực biển, đảo do Đơn vị quản lý; làm rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cũng như quan điểm, chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển của Đảng, Nhà nước ta. Qua đó, nâng cao nhận thức cho bộ đội về đối tượng, đối tác, đề cao cảnh giác, xử lý đúng các tình huống theo phương châm và sự chỉ đạo của Vùng và Quân chủng.

Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn chú trọng gắn giáo dục chính trị với quản lý chính trị nội bộ, định hướng tư tưởng cho bộ đội; đồng thời, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào Thi đua Quyết thắng bằng những nội dung, hành động thiết thực. Nhờ vậy, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đều nhận thức đúng tình hình, nắm vững nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư tưởng ổn định, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng được Lữ đoàn đặc biệt quan tâm. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt; tiếp tục đẩy mạnh đột phá "2 chất lượng, 2 nêu cao"1 và xây dựng theo tiêu chí “4 tốt”2, tạo sự chuyển biến thật sự vững chắc về năng lực lãnh đạo. Nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và vai trò cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giữ vững; tự phê bình và phê bình được đề cao. Công tác quản lý, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên được các cấp ủy quan tâm, chăm lo, bảo đảm thực sự kiên trung, gương mẫu, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; là hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết trong đơn vị. Hằng năm, kết quả đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên của Lữ đoàn, có 100% tổ chức đảng, trên 90% đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Huấn luyện phóng bom chống ngầm

Để thực hiện “Có lệnh là đi, đã rời bến là hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Lữ đoàn xác định: phải duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và trình độ tác chiến. Trên cơ sở chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn kiện, kế hoạch tác chiến theo từng phương án, Lữ đoàn duy trì nghiêm lực lượng trực tại các khu vực trọng điểm, bảo đảm vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa huấn luyện và tuần tra, tuần tra trinh sát, luôn nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý tình huống đúng quy định, không để bị động, bất ngờ. Mặt khác, chủ động phối hợp với các lực lượng, phát hiện động thái, mưu đồ của “nước ngoài”; bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các quyết tâm, phương án tác chiến, hệ thống kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phù hợp với sự phát triển tình hình, ý định tác chiến của cấp trên.

Lữ đoàn đặt ra mục tiêu, yêu cầu rất cao trong huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; tập trung đột phá vào huấn luyện “cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật và thực hiện quy tắc an toàn”, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm mục tiêu huấn luyện. Trong huấn luyện cán bộ, Lữ đoàn tập trung vào những vấn đề mới, nội dung còn yếu, gắn với chức trách, nhiệm vụ, nhất là tổ chức, phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành. Riêng với cán bộ mới, Lữ đoàn yêu cầu các tàu tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng để nắm chắc kiến thức cơ bản, tính năng kỹ thuật, chiến thuật, thao tác, quy tắc sử dụng,... khi kiểm tra đạt khá trở lên mới được thực hành dưới sự hướng dẫn của cán bộ ngành. Với đối tượng quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, Lữ đoàn chỉ đạo huấn luyện toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào thao tác, kỹ năng khai thác, sử dụng, sửa chữa máy móc, vũ khí, trang bị, nhất là đối với vũ khí, trang bị mới. Đối với phân đội, Lữ đoàn tập trung huấn luyện thuần thục chiến thuật cấp phân đội, tàu, biên đội, thực hành xử lý các tình huống giả định khó; tăng cường huấn luyện đêm, theo các tình huống, phương án chiến đấu trên biển, dưới ngầm trong điều kiện thời tiết, sóng gió phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng. Để đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn chú trọng đổi mới phương pháp huấn luyện, giảm thời gian giới thiệu lý thuyết, tăng thời gian thực hành theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”; kết hợp huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển được phân công.

Riêng đội ngũ cán bộ chỉ huy tàu, Lữ đoàn yêu cầu phải được huấn luyện sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị kỹ thuật của ngành mình, biết sử dụng khí tài của ngành khác trên tàu và độc lập điều khiển tàu đi biển ban đêm trong điều kiện thời tiết phức tạp. Đồng thời, tập trung huấn luyện cho bộ đội giỏi tác chiến bằng vũ khí trong biên chế cũng như khi được tăng cường, nâng cao khả năng tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng; chú trọng huấn luyện tác chiến ban đêm cả trên không, trên mặt biển, đảo, bờ và trong lòng biển; gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, thể lực và nâng cao khả năng thích ứng với môi trường sóng, gió. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình biển, đảo hiện nay, Lữ đoàn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với luyện tập, diễn tập theo phương án CN, BV và sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; huấn luyện tác chiến với huấn luyện phục vụ cho đấu tranh trên biển, như: chống chìm, cháy, va, đâm, mắc cạn tàu, thuyền, v.v. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ các đơn vị bờ (nhất là số sĩ quan trẻ) luân phiên đi theo tàu của các đơn vị huấn luyện, tuần tra, làm nhiệm vụ trên biển nhằm giúp họ rèn luyện, nâng cao năng lực xử lý tình huống. Nhờ đó, trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy, khả năng cơ động, hiệp đồng chiến đấu của Lữ đoàn được nâng lên rõ rệt. Năm 2022, 100% cán bộ của Lữ đoàn huấn luyện được theo phân cấp (trong đó, 90% cán bộ tàu, 80% cán bộ ngành đạt khá, giỏi); 100% đơn vị tàu hoàn thành huấn luyện theo giáo trình K1, K2, K3 tại bến và biển; tổ chức huấn luyện K4 kết hợp huấn luyện chi viện bảo vệ biển, đảo có 100% đơn vị đạt khá, giỏi. Kết quả bắn đạn thật lần 1, lần 2 và huấn luyện thực binh đối kháng giữa tàu ngầm và nhóm chống ngầm hỗn hợp, bắn đạn thật súng, pháo, thả bom phản lực, bom chìm; thả, rà, quét thủy lôi: 100% lượt tàu và biên đội đạt khá, giỏi, có 56% giỏi, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Để nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn luôn chú trọng công tác hậu cần, kỹ thuật và đẩy mạnh xây dựng đơn vị chính quy, duy trì nghiêm kỷ luật. Về công tác hậu cần, Lữ đoàn tập trung: “Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội”; chú trọng tăng gia, chăn nuôi, chất lượng chế biến, đa dạng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, củng cố doanh trại, đảm bảo quân số khỏe đạt gần 99%. Với công tác kỹ thuật, Lữ đoàn duy trì nghiêm nền nếp công tác ngành, “xây dựng tàu chính quy mẫu mực”, nhất là chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, sẵn sàng khi có lệnh là cơ động, chiến đấu được ngay. Đồng thời, đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật theo hướng: chủ động, linh hoạt, sát nhiệm vụ trọng tâm, phát huy tối đa nguồn đảm bảo của trên và khả năng tự đảm bảo. Tổ chức các đội, trạm sửa chữa cơ động; thực hiện nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa, tăng hạn sử dụng các loại vũ khí, khí tài theo đúng quy trình, quy định; nâng cao khả năng tự bảo đảm phục vụ kịp thời cho các nhiệm vụ cả trong thời bình và khi có tác chiến xảy ra. Trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, Lữ đoàn đột phá vào công tác quản lý bộ đội; thực hiện nghiêm nội dung, chương trình giáo dục pháp luật, duy trì có nền nếp Ngày pháp luật. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh; tập trung đột phá vào “3 dứt điểm, 4 an toàn, mẫu mực”3, duy trì có hiệu quả hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý - pháp luật quân nhân” và mô hình “Mỗi tuần học một điều luật”. Đồng thời, chủ động phối hợp với gia đình, địa phương để quản lý quân nhân; động viên mọi người tăng cường rèn luyện, cũng như tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của Đơn vị,... tạo chuyển biến mạnh mẽ trong từng cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH GIẢNG, Lữ đoàn trưởng
_______________

1 - “02 chất lượng”(1). Nghị quyết lãnh đạo; (2). Tổ chức thực hiện nghị quyết. “02 nêu cao”(1). Trách nhiệm nêu gương; (2). Tự phê bình và phê bình.

2 - Tiêu chí “04 tốt”: (1). Nhận thức, trách nhiệm tốt; (2). Nền nếp, chế độ và chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt; (3). Dân chủ, đoàn kết, kỷ luật tốt; (4). Tự phê bình và phê bình tốt.

3 - 3 dứt điểm: dứt điểm việc đánh cờ, bài ăn tiền, đánh đề, cá độ, vay mượn tài sản không có khả năng trả lại; dứt điểm không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; dứt điểm sử dụng rượu, bia sai quy định. 4 an toàn: an toàn tàu, xe, vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật; an toàn kho, trạm, xưởng, doanh trại; an toàn huấn luyện, công tác, lao động; an toàn trong tham gia lao động. 4 mẫu mực: mẫu mực trong chào, báo cáo; mẫu mực trong canh gác; mẫu mực trong trực ban; mẫu mực trong lễ tiết, tác phong.

 

Ý kiến bạn đọc (0)