QPTD -Thứ Năm, 11/05/2023, 06:27 (GMT+7)
Lữ đoàn 170 nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu

Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là một trọng tâm trong nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các cơ quan, đơn vị toàn quân. Đối với Bộ đội Hải quân nói chung, Lữ đoàn 170 nói riêng - lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực hiện tốt nội dung này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã, đang được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 170 hết sức coi trọng, với nhiều giải pháp cơ bản, đồng bộ, phù hợp, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo phía Bắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Lữ đoàn 170 (thuộc Vùng 1 Hải quân) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo phía Bắc Tổ quốc (từ cửa sông Bắc Luân, tỉnh Quảng Ninh đến Mũi Độc, tỉnh Hà Tĩnh); nơi có nhiều khu vực đảo và quần đảo tiền tiêu giữ vị trí chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch, hướng dẫn của trên về công tác huấn luyện; xác định chủ trương, biện pháp tập trung lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chặt chẽ, sát đặc điểm tình hình, nhiệm vụ, đối tượng. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch huấn luyện chặt chẽ, khoa học, bảo đảm nội dung, thời gian, tiến độ; làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ đã nêu cao trách nhiệm, trong tổ chức thực hiện; quán triệt thực hiện tốt phương châm, phương pháp, các mối kết hợp; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển; chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên môn, chuyên ngành. Đồng thời, gắn huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và đảm bảo an toàn, v.v. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện, trình độ quản lý, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, trình độ xử trí các tình huống và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn không ngừng được nâng lên, nhiều năm liền đạt Đơn vị huấn luyện giỏi, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo được giao, không để bị động bất ngờ.

Huấn luyện thực hành bắn Ngư lôi tập 53 VA trên biển

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Quân chủng, xây dựng Vùng đặt ra yêu cầu cao. Trong khi đó, tổ chức, biên chế của Lữ đoàn có sự điều chỉnh theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; vũ khí, trang bị kỹ thuật đã qua sử dụng nhiều năm, một số đã xuống cấp, thiếu đồng bộ; ngân sách đầu tư cho Vùng nói chung, Lữ đoàn nói riêng còn hạn hẹp; trình độ cán bộ chưa đồng đều, hoàn cảnh gia đình một số đồng chí gặp khó khăn,… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của từng cơ quan, đơn vị; trong đó xác định, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện là khâu đột phá, xuyên suốt, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, với những nội dung chủ yếu sau:

Một là, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, hiệu quả. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm bảo đảm, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác huấn luyện, trọng tâm là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo cùng các nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng, Đảng ủy Vùng về công tác huấn luyện. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp có nghị quyết chuyên đề, nghị quyết lãnh đạo định kỳ với chủ trương, biện pháp đúng đắn, sáng tạo để lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu; tạo sự đoàn kết, tin tưởng, thống nhất cao và quyết tâm thực hiện ngay từ trong cấp ủy. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp thiết thực, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác huấn luyện; những thuận lợi, khó khăn, nội dung, chỉ tiêu huấn luyện; âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến; về truyền thống của Lữ đoàn, của Bộ đội Hải quân, v.v. Qua đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ động cơ, trách nhiệm, quyết tâm cao; có niềm tin vững chắc vào nghệ thuật tác chiến, cách đánh của Bộ đội Hải quân và vũ khí, trang bị hiện có, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, tập trung nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, làm cơ sở nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đây là giải pháp quan trọng, bởi “Cán bộ là gốc của mọi công việc”1, là những người trực tiếp quản lý, huấn luyện, chỉ huy bội đội. Vì vậy, Lữ đoàn tập trung thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; trong đó, chú trọng vào những cán bộ mới ra trường, mới bổ nhiệm, cán bộ tàu, trạm, đại đội, ngành, trung đội. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng toàn diện, bảo đảm phù hợp với cương vị, chức trách được giao; tập trung nâng cao trình độ, năng lực tham mưu đề xuất, xử lý các tình huống, quản lý, điều hành huấn luyện và quản lý điều hành cơ quan, đơn vị. Để bảo đảm tính đồng bộ trong huấn luyện, nhất là sự đồng bộ giữa cơ quan và đơn vị, giữa cán bộ các đơn vị trên bờ và ở các tàu, Lữ đoàn chủ trương tổ chức cho số cán bộ các đơn vị trên bờ luân phiên đi theo tàu của các đơn vị huấn luyện, tuần tra trên biển; qua đó, mỗi cán bộ (nhất là số sĩ quan trẻ) được làm quen, rèn luyện sức chịu đựng sóng gió và nâng cao khả năng, kinh nghiệm xử trí tình huống trên biển. Đồng thời, phát huy tính chủ động, tích cực của mỗi cán bộ trong tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung Quốc), tin học và tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành huấn luyện. Cùng với đó, Lữ đoàn tổ chức tốt hội thi, hội thao cấp mình và tích cực tham gia hội thi, hội thao do cấp trên tổ chức, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ được giao lưu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức và phương pháp huấn luyện. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo cùng những mục tiêu, giải pháp về công tác huấn luyện mà Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW đã xác định và bám sát phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện toàn diện các mặt, các nội dung nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tăng thời gian huấn luyện thực hành, chú trọng huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động trên biển sát với nhiệm vụ được giao. Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và xu hướng phát triển; lấy mục tiêu quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, xây dựng Lữ đoàn và Vùng thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu cao nhất để huấn luyện bộ đội. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực và khả năng chịu đựng sóng của bộ đội; tăng cường huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, phòng tránh, đánh trả trong điều kiện sóng gió, thời tiết phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao để rèn luyện bộ đội một cách toàn diện. Thực hiện tốt việc chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo” theo hướng phân rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân; phát huy tốt vai trò của cơ quan chức năng trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức, phối hợp, hiệp đồng thực hiện,... đảm bảo khoa học, đúng tiến độ, sát yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn tác chiến. Chỉ huy và cơ quan các cấp tăng cường kiểm tra cả trước, trong và sau huấn luyện, chú trọng việc kiểm tra, phúc tra huấn luyện cả thường xuyên và đột xuất, bảo đảm tính toàn diện, khách quan, thực chất; có biện pháp khắc phục dứt điểm những biểu hiện chủ quan, khoán trắng cho cấp dưới, bớt xén thời gian, nội dung, hoặc hạ thấp chỉ tiêu, yêu cầu huấn luyện; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện phô trương, hình thức, chạy theo thành tích.

Bốn làkết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Đây là hai nội dung song hành, có quan hệ biện chứng với nhau, nên có vai trò quan trọng không thể thiếu trong nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Đơn vị. Vì thế, cùng với nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, Lữ đoàn tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Nội dung xây dựng chính quy là toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu, tạo chuyển biến căn bản tình hình xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội. Theo đó, Đơn vị tập trung vào nâng cao trình độ chính quy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đặc biệt là quản lý con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật, kết hợp chặt chẽ xây dựng chính quy với chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước; không để xảy ra mất an toàn trong huấn luyện. Để đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện Điều lệnh, điều lệ, chỉ thị, quy định; gắn giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật với các biện pháp hành chính và xử lý liên đới trách nhiệm của cán bộ các cấp. Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của đơn vị để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, học tập, công tác; tăng cường biện pháp quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện chính quy, rèn luyện kỷ luật, quản lý tư tưởng bộ đội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời, tích cực xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, chủ động đấu tranh phòng, chống các tác động tiêu cực và phản văn hóa xâm nhập vào đơn vị.

Cùng với các giải pháp trên, Lữ đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng; bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá LÊ TIẾN HẬU, Lữ đoàn trưởng
_______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 390.

 

Ý kiến bạn đọc (0)