Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:37 (GMT+7)
Là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những năm qua, Lữ đoàn 167 Hải quân không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, tập trung xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 12/7/2013, Lữ đoàn 167 (Vùng 2, Quân chủng Hải quân), được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra,... bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa được giao. Để tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn được trang bị các loại tàu tên lửa, tàu pháo, có thể độc lập tác chiến hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng của Vùng và Quân chủng. Ra đời trong thời kỳ đổi mới đất nước và trên cơ sở kế thừa lịch sử, truyền thống vẻ vang của lực lượng tàu chiến đấu mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong 10 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liên tục Đảng bộ Lữ đoàn đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng Cờ Thi đua và nhiều phần thưởng cao quý1.
Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ của Lữ đoàn đòi hỏi ngày càng cao, khẩn trương, khó khăn hơn; tổ chức biên chế có sự thay đổi; quản lý, huấn luyện, sử dụng nhiều loại vũ khí, khí tài, trang bị phương tiện hiện đại. Trong khi đó, trình độ nhận thức, kinh nghiệm trong huấn luyện chiến đấu và hoạt động trên biển của cán bộ, chiến sĩ không đồng đều; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Trên vùng biển Đơn vị quản lý tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ khó lường; thời tiết, khí hậu thay đổi bất thường,… tác động không nhỏ tới tâm lý, đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt công tác, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trước hết, xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tích cực nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên để cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với cơ quan, đơn vị. Tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tư tưởng; kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nắm chắc đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; nêu cao tinh thần cảnh giác, ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để đạt hiệu quả, Lữ đoàn bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, đưa hoạt động công tác đảng, công tác chính trị vào nền nếp; xây dựng cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị có năng lực toàn diện, tâm huyết, trách nhiệm cao. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, gắn với thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng; thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý, dự báo, định hướng, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh về tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, không để bị động, bất ngờ; nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng 47, thắt chặt kỷ luật phát ngôn, quản lý chặt chẽ thông tin, tài liệu mật và sử dụng thiết bị công nghệ thông tin có kết nối internet; chủ động phát hiện, ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh với nhận thức sai trái, biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, phối hợp làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền biển, đảo và thực hiện hiệu quả chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Thực hiện tốt công tác chính sách, hậu phương Quân đội, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở.
Hai là, tập trung nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Lữ đoàn chú trọng nắm chắc tình hình, nhiệm vụ, phương hướng, mục tiêu, quan điểm, phương châm, nguyên tắc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và giải quyết các tranh chấp trên biển; có đối sách xử lý hiệu quả các tình huống trong phạm vi quyền hạn được giao. Duy trì nền nếp, tăng cường luyện tập các phương án, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch tác chiến phù hợp với tình hình nhiệm vụ và tổ chức biên chế. Đồng thời, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đóng quân trên địa bàn theo dõi, nắm chắc tình hình mọi mặt, kịp thời báo cáo, đề xuất phương án hiệp đồng giải quyết các vấn đề xảy ra trên biển. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự, môi trường hòa bình, ổn định trên biển; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh, kịp thời hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.
Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, gắn với xây dựng nền nếp chính quy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nghị quyết của cấp ủy các cấp về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, Lữ đoàn xác định tập trung đổi mới phương pháp tổ chức, nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, huấn luyện chiến đấu với công tác bảo đảm an toàn; gắn huấn luyện với rèn luyện thể lực và khả năng chịu đựng sóng gió của bộ đội; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tính chính quy trong các khoa mục huấn luyện. Để cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng nắm chắc và sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài mới, hiện đại, phát huy kết quả đạt được, Lữ đoàn tiếp tục tổ chức chặt chẽ, hiệu quả các lớp học, câu lạc bộ ngoại ngữ và tin học cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; tăng cường huấn luyện vận hành, khai thác, sử dụng thành thạo và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; huấn luyện hiệp đồng chỉ thị mục tiêu, huấn luyện đối kháng; đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả phòng học mô phỏng, trung tâm huấn luyện bảo vệ sức sống tàu. Lữ đoàn tiếp tục chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện đột phá “Nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ” với các tiêu chí cụ thể, sát thực tiễn, có tính khả thi cao; tích cực kiểm tra, đánh giá thực chất công tác huấn luyện làm chủ của các ngành và các tàu sát thực tế hoạt động và chiến đấu trên biển.
Cùng với đó, Lữ đoàn chủ động nâng cao một bước về công tác xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; đổi mới phương pháp, tác phong làm việc chính quy, khoa học, hiệu quả, theo đúng chức trách, nhiệm vụ. Chú trọng nâng cao chất lượng phối hợp công tác giữa các cơ quan, chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản và tổ chức các hội nghị, giao ban, hội ý theo hướng ngắn gọn, hiệu quả, giảm thủ tục văn bản giấy tờ hành chính. Xây dựng Lữ đoàn chính quy, an toàn, hiệu quả trong các hoạt động. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của trên về tổ chức biên chế; sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao vũ khí, trang bị, phương tiện cho các đơn vị thành lập mới; tổ chức điều động quân số cơ quan và các tàu đảm bảo tính cân đối, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, ưu tiên cho các tàu chiến đấu.
Bốn là, bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ. Xuất phát từ đặc thù yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác hậu cần, tài chính. Trong đó, tập trung nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, trọng tâm là các tàu làm nhiệm vụ trên biển. Các cơ quan, đơn vị chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của bộ đội trong sử dụng, quản lý hạ tầng doanh trại gắn với thực hiện các chế tài xử phạt phù hợp khi để vật chất, trang bị hậu cần, nhiên liệu hư hỏng, thất thoát do thiếu tinh thần trách nhiệm. Tiếp nhận và đưa vào sử dụng hiệu quả, đúng công năng nhà ăn khối tàu. Đồng thời, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi, chế biến tập trung; xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp; nâng cao chất lượng đời sống, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm tốt các tiêu chuẩn hậu cần cho bộ đội. Quán triệt, thực hiện nghiêm cơ chế tài chính theo Luật Ngân sách; quản lý chặt chẽ các hoạt động thu, chi, bảo đảm đúng mục đích, quy chế, quy định, hiệu quả, không để xảy ra tham ô, thất thoát, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” theo hướng sâu, rộng trong toàn Đơn vị.
Cùng với làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, Lữ đoàn tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ lệnh của trên về công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Chú trọng bảo đảm kỹ thuật theo hướng “thực chất, vững chắc, an toàn”, tập trung bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ tàu, xe, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ của đơn vị. Chủ động bồi dưỡng kỹ thuật tay nghề cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật để bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa nhỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật; thực hiện chặt chẽ công tác tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng sửa chữa lớn. Tiếp tục thực hiện có chiều sâu 02 khâu đột phá: đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Cuộc vận động 50 giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật vững chắc, ngành Kỹ thuật chính quy, hiện đại. Cơ quan kỹ thuật và các đơn vị chú trọng xây dựng định mức, tiến trình làm chủ hằng năm cho từng ngành, từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật và định kỳ kiểm tra đánh giá khả năng làm chủ. Tiếp tục hoàn thiện các thiết chế công tác kỹ thuật của đơn vị bảo đảm tính vững chắc; sử dụng kinh phí, vật tư theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng thực hiện ngày kỹ thuật tuần, tháng, quý toàn diện, đồng bộ ở các cấp; quyết liệt thực hiện tàu chính quy, mẫu mực. Đồng thời, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành và bảo đảm kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thượng tá PHẠM TIẾN DŨNG, Lữ đoàn trưởng ___________________
1 - Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Lữ đoàn đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
Lữ đoàn 167,vững mạnh toàn diện,“mẫu mực,tiêu biểu”,tập trung xây dựng
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An