QPTD -Thứ Năm, 22/10/2015, 10:14 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Lễ “Khao lề thế lính” Hoàng Sa
Lễ cúng linh vị chiến sỹ và binh phu Hoàng Sa. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 8.900 lễ hội; trong đó lễ “Khao lề thế lính” Hoàng Sa là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời của nhân dân ta. Theo nhiều tài liệu và thư tịch cổ, như: Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), Phủ biên tạp lục (năm 1776), Đại Nam thực lục tiền biên (năm 1821),… lễ hội truyền thống này được bắt nguồn từ khi Chúa Nguyễn chủ trương lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi lập “đội Hoàng Sa”1 để quản lý, khai thác quần đảo Hoàng Sa (khi đó còn vô chủ). Nhiệm vụ của “đội Hoàng Sa” rất nặng nề, vừa phải thu lượm các sản vật về dâng nộp, vừa phải đo đạc thủy trình, trồng cây, dựng mốc và tổ chức tuần phòng, bảo vệ các đảo, v.v. Trong khi đó, phương tiện tàu thuyền còn thô sơ, phải vượt hàng trăm hải lý trên biển, trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, hoạt động liên tục từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, nên “đội Hoàng Sa” gặp không ít nguy hiểm, tai nạn trên biển, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Vì thế, hằng năm, vào ngày 20 tháng 02 âm lịch, trước khi “đội Hoàng Sa” chuẩn bị xuống thuyền, các họ tộc trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ “Khao lề thế lính” để cầu cho người ra đi được bình an trên dặm dài sóng nước. Trong buổi Lễ, họ làm những hình nộm người bằng khung tre, dán giấy ngũ sắc và đem tế tại đình làng. Sau đó, những hình nộm này được thiêu hóa hoặc đóng bè thả trôi ra biển với quan niệm, các hình nhân đó sẽ chịu thay cho “đội Hoàng Sa” mọi hiểm nguy, tai nạn trên biển. Cũng từ đó, nghi lễ này được truyền từ đời này sang đời khác, năm này qua năm khác và trở thành nét văn hóa độc đáo của nhân dân vùng ven biển Quảng Ngãi.

Ngày nay, vào khoảng tháng 02, tháng 3 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đều tổ chức lễ “Khao lề thế lính” Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh. Buổi lễ diễn ra với các nghi thức cổ, nhằm tái hiện hình ảnh các hùng binh ra khơi làm nhiệm vụ, như: cúng tế, thổi kèn ốc, thả thuyền nan và các hình nhân xuống biển hướng tới quần đảo Hoàng Sa, v.v. Đây là hoạt động văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, thể hiện khát vọng của người dân trong chinh phục biển cả; tri ân những người con đất Việt qua các thế hệ đã không quản khó khăn, thử thách, hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cũng như ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lễ “Khao lề thế lính” Hoàng Sa là minh chứng: từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam đã chinh phục, quản lý, bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục, hòa bình theo quy định của luật pháp quốc tế; nó đã trở thành nét văn hóa sâu thẳm trong tâm hồn các thế hệ người Việt Nam mà không gì có thể thay đổi được. Do tính chất và ý nghĩa to lớn đó, lễ “Khao lề thế lính” Hoàng Sa đã được Nhà nước tôn vinh thành lễ hội cấp quốc gia và đình làng An Vĩnh - nơi diễn ra lễ hội - được công nhận là Di tích văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Tạ Quang thực hiện
_________

1 - Tiếp đó, nhà Nguyễn còn lấy người ở thôn Tứ Chính, Cảnh Dương (Bình Thuận) để lập “đội Bắc Hải” làm nhiệm vụ quản lý, khai thác quần đảo Trường Sa.

Ý kiến bạn đọc (0)