QPTD -Thứ Ba, 28/02/2023, 07:57 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Khái lược về lịch sử, điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển của đảo Lý Sơn

Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (về phía Đông Bắc), có diện tích hơn 10,39 km², dân số trên 22.000 người. Đây được coi là đảo tiền tiêu, có giá trị về phát triển kinh tế biển; đồng thời, giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh đối với Tỉnh và khu vực duyên hải miền Trung.

Theo các nghiên cứu khoa học, đảo Lý Sơn được hình thành do sự phun trào nham thạch núi lửa. Vết tích còn lại là một núi lửa đã ngừng hoạt động với 05 miệng hố - nơi có các mạch nước ngầm cung cấp nước ngọt chính cho Đảo. Chính sự phun trào nham thạch đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cùng lớp đất bazan màu mỡ trải đều trên bề mặt phía Nam của Đảo, rất thích hợp cho nhiều loại cây trồng phát triển.

Về điều kiện dân cư trên Đảo, các kết quả khai quật khảo cổ gần đây cho thấy, nơi đây từng được cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh cư trú; tiếp đến là văn hóa Chăm Pa với các dấu tích được tìm thấy ở di chỉ Xóm Ốc, Suối Chình và đây cũng là nơi cư dân Việt đến khai khẩn đất đai và sinh sống từ rất sớm. Theo đó, ngay từ thế kỷ 17, Lý Sơn được Chúa Nguyễn chọn là nơi tổ chức Hải đội Hoàng Sa, lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa để thu lượm hàng hóa, đánh bắt hải sản, đo đạc thủy trình, trồng cây, dựng mốc và tổ chức tuần phòng, bảo vệ các đảo, v.v. Hằng năm, vào khoảng tháng ba âm lịch, người dân Lý Sơn làm lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” để tri ân những người lính ra khơi thực thi chủ quyền trên biển. Khi đưa quân xâm lược Việt Nam, thấy rõ vị trí đặc biệt quan trọng của Đảo nên Hải quân Mỹ chọn Lý Sơn để đặt trạm rađa quan sát, giám sát các hoạt động dọc theo bờ biển Việt Nam.

Nằm trên tuyến giao thông đường biển từ Bắc vào Nam - cửa ngõ của Khu kinh tế Dung Quất, nên Lý Sơn trở thành đơn vị hành chính tiền tiêu, giữ vai trò quan trọng trong thế trận phòng thủ biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung; đồng thời, là địa bàn có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Lý Sơn đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn gắn với truyền thống khai thác hải sản lâu đời của ngư dân. Tuy diện tích nhỏ, nhưng Lý Sơn sở hữu những bãi tắm đẹp, được bao quanh bởi nhiều vách đá nham thạch kỳ vĩ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó, Lý Sơn cũng chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ lớp đất bazan màu mỡ, mỗi năm người dân nơi đây thu hoạch được hàng nghìn tấn hành, tỏi, với hương vị đặc biệt, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, Lý Sơn cũng đang từng bước hiện đại hóa nghề cá, phát triển đánh bắt xa bờ, dài ngày với các tàu chế biến hiện đại, đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nằm trong quy hoạch không gian biển quốc gia, thời gian tới, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường của quê hương “Hải đội hùng binh Hoàng Sa”, sự năng động, sáng tạo và khát vọng phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây quyết tâm xây dựng Lý Sơn thực sự mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, để mãi xứng đáng là biểu tượng chủ quyền quốc gia và điểm tựa vươn khơi của ngư dân trên hành trình chinh phục biển.

Thực hiện: CAO VƯƠNG

Ý kiến bạn đọc (0)