QPTD -Thứ Năm, 22/12/2016, 13:00 (GMT+7)
Hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học biển

Điều tra, nghiên cứu khoa học biển là mặt công tác quan trọng, được các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có biển chủ động triển khai, nhằm cung cấp các luận cứ khoa học về điều kiện tự nhiên, môi trường, tài nguyên biển cùng các quy luật, quy trình biển,… và mức độ biến đổi của các yếu tố nói trên để phục vụ việc hoạch định chính sách, chiến lược cũng như quy hoạch khai thác, sử dụng biển theo một thể thống nhất.

     Hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển bằng công nghệ viễn thám.    (Ảnh: TTXVN)

Đối với Việt Nam, công tác điều tra, nghiên cứu khoa học biển được bắt đầu từ thập niên 20 của thế kỷ XX trong khuôn khổ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về biển. Theo đó, giai đoạn 1922 - 1945, tàu De Lanessen (Pháp) đã tiến hành nhiều cuộc khảo cứu về nghề cá ở Biển Đông. Tiếp đó, các chương trình hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc (1959 - 1962), Việt Nam - Liên Xô (1960 - 1961) nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi cá nổi và trữ lượng cá ở tầng đáy của Vịnh Bắc Bộ đã được triển khai tích cực. Đặc biệt, giai đoạn 1968 - 1974, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với các tổ chức, công ty của Việt Nam và quốc tế tiến hành nhiều dự án khảo cứu ở vùng biển phía Nam, rút ra nhiều kết luận có giá trị về trữ lượng cá biển khơi và những vấn đề về địa chất - địa vật lý thềm lục địa, v.v.

Từ sau năm 1975, cùng với các hoạt động hợp tác về nghiên cứu biển với Viện Viễn Đông và Ủy ban Khí tượng Thủy văn Liên Xô (sau này là Liên bang Nga), Việt Nam đã triển khai nhiều dự án hợp tác với cơ quan khoa học biển của các nước: Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Bỉ,… cùng các tổ chức, chương trình quốc tế và khu vực. Các hoạt động hợp tác này tập trung điều tra, khảo sát về các vùng nước trồi, các hệ sinh thái biển, trữ lượng hải sản, sinh vật biển và đặc trưng của rạn san hô ven bờ, v.v. Qua đó, đưa ra các kết luận có giá trị khoa học và tư vấn cao về biện pháp quản lý tổng hợp vùng bờ, bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghề cá, môi trường biển cũng như khu vực tiền châu thổ (AVAN-DELTA), chính sách biển và xóa đói, giảm nghèo,… ở Việt Nam. Trên cơ sở kết quả điều tra, nghiên cứu, từ năm 2007, Chính phủ đã quyết định đầu tư, triển khai “Đề án tổng thể điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, tạo chuyển biến quan trọng, đưa công tác này đi vào nền nếp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nội dung điều tra, nghiên cứu biển còn chưa toàn diện, chất lượng có mặt chưa cao, nhất là trong nghiên cứu cơ bản và điều tra về kinh tế - xã hội biển. Vì thế, đóng góp của các kết quả nghiên cứu vào công tác quản lý nhà nước về biển, đảo; phát triển kinh tế biển; bảo vệ chủ quyền, an ninh và giải quyết các tranh chấp trên biển còn hạn chế.

Xuất phát từ thực tế đó, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra yêu cầu đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu khoa học biển trên tất cả các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, với các hướng ưu tiên chính. Đó là, phải đẩy mạnh điều tra cơ bản và tổng hợp về biển; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; đánh giá tiềm năng và triển vọng tài nguyên, khoáng sản; xây dựng chính sách, luật pháp biển; thực hiện chương trình quản lý tổng hợp biển và vùng bờ; đánh giá, áp dụng các giải pháp thích ứng, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến tài nguyên và môi trường biển, v.v. Đây là những định hướng cơ bản, cấp thiết, nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Hồng Thủy thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)