QPTD -Thứ Ba, 16/12/2014, 20:15 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Hoàng Sa, Trường Sa thời Tây Sơn (1786 - 1802)

Chỉ thị của Thái phó Tổng lý quản binh dân chư vụ thượng tướng công nhà Tây Sơn ngày  14-2
năm Thái Đức thứ 9 (1786) với nội dung sai Cai đội Hoàng Sa cưỡi 04 thuyền câu  vượt biển
thẳng đến Hoàng Sa cùng các sứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ
đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba chở về kinh, tập trung nộp theo lệ.  (Ảnh tư liệu)

Sau khi đánh đổ chúa Trịnh (ở Đàng Ngoài), chúa Nguyễn (ở Đàng Trong), Nhà Tây Sơn ra sức củng cố chính quyền và cương vực của đất nước. Trước hết, vương triều Tây Sơn chủ trương xây dựng lực lượng thủy quân mạnh, gồm các chiến thuyền cỡ lớn, trên mỗi thuyền có 600 - 700 thủy thủ, cùng 50 - 60 khẩu thần công, nhằm tạo quả đấm mạnh bằng thủy quân, sẵn sàng tiến xuống dẹp yên ở phía Nam và bảo vệ vùng biển; trong đó, có khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của đất nước.

Trước đó, vào năm 1773, sau khi chiếm được cảng Quy Nhơn, rồi tiến ra Quảng Nam, kiểm soát bến Bình Sơn, cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), quân Tây Sơn đã chú trọng các hoạt động bảo vệ cương vực vùng biển ngoài khơi ở khu vực này. Năm 1775, Cai hợp Hà Liễu1 đã dâng tấu lên triều đình xin được lập lại hai đội Hoàng Sa, Quế Hương để vượt biển ra Hoàng Sa, Trường Sa và các cù lao ngoài khơi làm nhiệm vụ theo thông lệ; đồng thời, sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Tiếp đó, ngày 14-02-1786 (âm lịch), chính quyền Tây Sơn quyết định sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa cùng bốn chiến thuyền vượt biển để thực thi nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các xứ cù lao ngoài biển.

Theo các cứ liệu lịch sử, Nhà nước Tây Sơn yêu cầu các thuyền của đội Hoàng Sa phải mang biển hiệu thủy quân; đồng thời, ra quy định cho đội này không được lấy danh nghĩa thủy quân để làm càn, dọa nạt, sách nhiễu ngư dân làm muối, đánh bắt cá ngoài biển. Cùng với hai đội Hoàng Sa, Quế Hương, những năm tiếp theo, Nhà nước Tây Sơn còn thành lập các đội khai thác Biển Đông, như: Đại Mạo, Hải Ba…, để thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Các đội này, vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. “Riêng đội Hoàng Sa, đứng đầu là cai đội hay đội trưởng, lại thường là kiêm cai thủ cửa biển Sa Kỳ cũng như kiêm quản cai cơ thủ ngự. Chức quan cai cơ thủ ngự phụ trách thu thuế, an ninh trên biển, chống hải tặc, cướp biển”2. Điều đó cho thấy, các đội cai quản Hoàng Sa, Trường Sa được duy trì hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558 - 1783) đến Nhà Tây Sơn mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào của các quốc gia khác. Đây cũng là một biểu hiện của cơ chế kết hợp thường xuyên việc khai thác kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển (thời bấy giờ).

Như vậy, việc lập ra các đội thuyền và tổ chức hoạt động thường xuyên ở Biển Đông nói chung, trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng ở thời Tây Sơn là một minh chứng khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Văn Doanh thực hiện
_______

1 - Hà Liễu - người Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

2 - Trần Công Trục - Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, Nxb Thông tin và Truyền thông, H. 2012, tr. 88.

Ý kiến bạn đọc (0)