QPTD -Thứ Năm, 27/07/2023, 10:16 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau

Nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc, Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên khoảng 371.000 ha, được phân thành 03 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Đây là khu vực đặc thù, với đa dạng cảnh quan và hệ sinh thái, bao gồm các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bùn, đầm lầy ngập nước, hệ sinh thái biển,... lưu giữ nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú, có giá trị bảo tồn cao. Đồng thời, nơi đây cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng; có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và kinh tế biển; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ chung của tỉnh Cà Mau và Quân khu 9.

Về kiến tạo địa hình, Khu dự trữ sinh quyển được hình thành do 02 dòng hải lưu: Bắc - Nam và Tây - Nam mang theo phù sa từ hệ thống sông Cửu Long với 02 chế độ nhật triều và bán nhật triều, tạo nên vùng lắng đọng phù sa, hình thành các bãi bồi rộng lớn (hiện vẫn được mở rộng hằng năm), trở thành sản phẩm tự nhiên vô giá, hiếm có trên thế giới. Về hệ thực vật, nơi đây có khoảng 22 loài ngập mặn; trong đó, chiếm ưu thế thuộc về loài đước, mắm trắng, mắm, mắm ổi, trang, v.v. Đây là những loài cây đặc trưng, với hệ thống rễ đặc biệt, có khả năng giữ đất của các bãi bồi, chống xói lở và hình thành nên những cánh rừng phòng hộ ven biển rộng lớn. Theo đánh giá của một số công trình nghiên cứu, hệ thống rừng ngập mặn ở đây đứng thứ hai thế giới về sự đa dạng sinh học, sau rừng ngập mặn Amazon ở Nam Mỹ. Về hệ động vật, Khu dự trữ không những phong phú về thành phần loài, mà còn có số lượng cá thể từng loài rất lớn. Trong đó, lớp thú có hơn 13 loài thuộc 09 họ, có một số loài nằm trong Sách đỏ thế giới (IUCN), như: khỉ đuôi dài, voọc bạc (cà khu) và nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; lớp chim có khoảng 74 loài thuộc 23 họ, có một số loài quý hiếm như cò trắng, choắt mỏ cong hông nâu, bồ nông chân xám, giang sen, diệc mốc và quắm đầu đen; bò sát có khoảng 17 loài thuộc 09 họ; 05 loài lưỡng cư thuộc 03 họ; 14 loài tôm; khoảng 175 loài cá thuộc 116 giống và 77 họ, v.v. Nhờ hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, phong phú với các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất có giá trị bảo tồn cao và những kết quả trong quản lý, bảo vệ môi trường, năm 2009, UNESCO công nhận Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2013, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển được công nhận là khu Ramsar của thế giới, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước và các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Dựa vào những lợi thế có tính đặc thù này, tỉnh Cà Mau đã và đang đẩy mạnh đầu tư về mọi mặt, đưa phát triển du lịch và kinh tế biển của Khu dự trữ sinh quyển trở thành “điểm sáng” của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Để làm được điều đó, Tỉnh chú trọng phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch sinh thái, mở rộng quy mô nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, hải sản, nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở trong vùng, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái thiên nhiên gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa vùng sông nước; giữ vững màu xanh của rừng, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, góp phần củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” mang nét đặc trưng Nam Bộ.

Thực hiện: CAO VƯƠNG

Ý kiến bạn đọc (0)