QPTD -Thứ Tư, 10/07/2019, 10:00 (GMT+7)
Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nội dung hết sức quan trọng, được tiến hành trước một bước, làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quy hoạch, kế hoạch cũng như hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, v.v.

Một góc Vịnh Hạ Long

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản và triển khai nhiều biện pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, như: Quyết định 47/2006/QĐ-TTg, ngày 01-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”; Quyết định 798/QĐ-TTg, ngày 11-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), v.v. Nhờ đó, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể, công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là về: đo đạc bản đồ biển; địa chất môi trường; địa chất - khoáng sản biển, công trình; tài nguyên dầu khí, khí hydrate; tài nguyên sinh vật, hải sản; đất đai, nước; hệ thống cửa sông tại các vùng ven biển và hải đảo, v.v. Trên cơ sở đó, cung cấp cơ sở dữ liệu, xác lập luận cứ khoa học, dự báo tiềm năng, lợi thế tài nguyên, môi trường biển phục vụ trực tiếp công tác lập quy hoạch, kế hoạch, khai thác, quản lý tài nguyên, khoáng sản biển của Trung ương, các bộ, ngành liên quan và địa phương ven biển, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, củng cố an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường, kết quả thống kê, quản lý các số liệu về điều tra cơ bản biển và hải đảo của các bộ, ngành và địa phương ven biển chưa thống nhất, chặt chẽ. Công tác điều tra cơ bản chủ yếu tập trung ở các vùng biển ven bờ, vùng biển nông, chưa chú trọng vùng biển xa, biển sâu. Kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các dữ liệu cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia, v.v.

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 “Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật” mà Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đề ra, chúng ta cần tập trung điều chỉnh hệ thống quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, đề án đang triển khai; đồng thời, tiếp tục đề xuất các chương trình, đề án, dự án mới có tính cấp bách, chú trọng điều tra vùng biển sâu, biển xa, các khu vực chưa có dữ liệu điều tra cơ bản, dễ xảy ra sự cố môi trường biển. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao và có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với lực lượng làm công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương ven biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động điều tra cơ bản,… góp phần cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác hơn nữa các dữ liệu khoa học, thiết thực phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong tình hình mới.

Nguyễn Đức Phú thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)