QPTD -Thứ Năm, 18/08/2022, 08:50 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển của đảo Bạch Long Vĩ

Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong Vịnh Bắc Bộ, thuộc huyện đảo cùng tên của thành phố Hải Phòng, cách đất liền khoảng 110 km, có diện tích khoảng 2,5 km2 (khi thủy triều lên) và khoảng 04 km2 (khi thủy triều xuống). Đảo thuộc một trong tám ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có vị trí và tầm quan trọng chiến lược về quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế biển; là “phên giậu tiền tiêu” trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Về kết cấu địa hình, đảo Bạch Long Vĩ là một dải đồi cao, nhưng khá thoải ra biển, xung quanh đảo là vùng bãi triều và bãi biển với diện tích khoảng 1,3 km², được hình thành từ những thềm đá bị mài mòn bởi sóng biển. Khí hậu trên đảo có hai mùa chính là mùa mưa và mùa khô. Vùng biển đảo Bạch Long Vĩ là vùng đa dạng sinh học của nước ta với hơn 1.500 loài sinh vật, trong đó có khoảng 1.090 loài sinh vật biển, 367 loài thực vật trên cạn, 45 loài chim, lưỡng cư và bò sát, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Có 28 loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, như: Phong ba, Cốc đỏ, Rắn ráo, San hô lỗ đỉnh, Bào ngư, Ốc đụn đực, Trai vệ nữ, Cá heo bướu lưng Ấn Độ Dương, Đồi mồi,... và khoảng 90 loài san hô, hơn 450 loài, hệ cá biển.

Đảo Bạch Long Vĩ trước đây còn có tên là: Vô Thủy, Hải Bào, Phù Châu Thủy. Do chưa tìm được nguồn nước ngọt, cho nên đến đầu thế kỷ XX, trên đảo vẫn không có dân sinh sống, tuy nhiên nơi đây lại là nơi tránh, trú bão của ngư dân làm ăn ở vùng biển Đông Bắc. Năm 1920, sau khi tìm được nguồn nước ngọt, nhân dân vùng Quảng Yên đã ra đảo sinh sống và lập nghiệp với nghề chính là chăn nuôi, trồng trọt và khai thác hải sản. Năm 1937, vua Bảo Đại phái người tới đây lập đồn canh phòng và xây dựng chế độ lý trưởng. Ngày 16/01/1957, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/TTg quy định đảo Bạch Long Vĩ là xã đảo trực thuộc thành phố Hải phòng. Việc Chính phủ ban hành Nghị định trên đánh dấu sự phát triển của đảo Bạch Long Vĩ trong giai đoạn mới.

Ngày 09/12/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ trực thuộc thành phố Hải Phòng. Sau khi có Nghị định của Chính phủ, Hải Phòng đã đưa 62 thanh niên xung phong và một số ngư dân ra đảo sinh sống, làm việc, xây dựng Đảo thành “Đảo Thanh niên”. Ngày 27/7/1994, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 379/TTg phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật tổng thể xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ thành đơn vị hành chính cấp huyện - cơ sở để Bạch Long Vĩ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc. Theo Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 05/8/2003 và Kết luận số 72-KL/TW, ngày 10/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đảo Bạch Long Vĩ được xác định là trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

Với vị trí và tầm quan trọng chiến lược, thời gian qua, Bạch Long Vĩ được Trung ương, thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo sát sao và đầu tư khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Điều đó góp phần thay đổi diện mạo của huyện đảo với kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, động bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, xứng đáng là “phên giậu tiền tiêu” trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn của cả nước.

TRẦN TOÀN (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc (0)