QPTD -Thứ Hai, 28/11/2022, 08:15 (GMT+7)
Thông tin biển, đảo
Điều kiện tự nhiên, lịch sử và tiềm năng phát triển của đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) là một trong những hòn đảo ven bờ, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km về hướng Đông Nam, có diện tích tự nhiên 16km2. Đây là địa bàn “phên giậu”, tiền đồn, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế biển, nằm trong thế phòng thủ chung của khu vực Nam Trung Bộ, các tỉnh phía Nam và cả nước.

Địa hình trên Đảo thuộc dạng gò đồi, mang đậm dấu tích của các miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Điển hình là núi Cao Cát, trên đỉnh có những khối đá trầm tích do hoạt động phun trào nham thạch đã tạo ra những hình dáng kỳ vĩ mà ít nơi có được. Thềm biển phổ biến có độ cao từ 02m - 04m, tạo thành nhiều bãi cát, doi cát, hình thành nên các bãi tắm đẹp, hoang sơ, hấp dẫn, như: Doi Dừa, Nhỏ Gành Hang, Mộ Thầy, vịnh Triều Dương. Khí hậu ở Phú Quý ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nơi đây có nguồn hải sản dồi dào với nhiều loại quý hiếm, như: tôm hùm, hải sâm, các loại ốc quý, v.v.

Từ những dấu tích phát hiện được trên Đảo cho thấy, Phú Quý đã được khai phá từ rất sớm, với những mộ vò lớn có chứa các công cụ lao động chôn theo, như: rìu, bôn và vòng đeo tay bằng đá, với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Đồng thời, đây còn là nơi hội tụ của nhiều luồng di dân từ đất liền với nhiều dân tộc khác nhau; trong đó, người Kinh là chủ yếu. Hiện nay, Phú Quý là một huyện đảo với 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh. Trên Đảo có chùa Linh Quang - di tích lịch sử cấp quốc gia, được xây dựng từ thời Cảnh Hưng thứ tám, đã hơn 250 tuổi. Ngoài ra, Đảo còn có Vạn An Thạnh thờ “Ông Nam Hải”, đền thờ Bà Chúa Ngọc, Vạn Thương Hải và Đình làng Triều Dương là những di tích lịch sử cấp tỉnh, còn giữ vẹn nguyên một số vật tế tự quý, như: đỉnh đồng, chuông đồng, hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán Nôm.

Những năm gần đây, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cùng sự hỗ trợ của tỉnh Bình Thuận và Trung ương, Phú Quý đang có những đổi thay nhanh chóng. Nghề khai thác hải sản với các phương tiện đánh bắt hiện đại, hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập của người dân. Ngoài ra, Đảo còn được biết đến với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển nhờ vào khí hậu trong lành, biển bao quanh, nước trong xanh, bằng mắt thường có thể thấy rõ địa hình, địa vật ở độ sâu 05m - 07m. Đặc biệt, quanh Đảo có rạn san hô đa dạng, phong phú về chủng loại, có độ bao phủ cao. Đây là điểm đến hấp dẫn để tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, thể thao, câu cá và du lịch lịch sử văn hóa.

Thời gian tới, trên cơ sở tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, Phú Quý tập trung phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn, bước đi thích hợp; nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát huy lợi thế, tiềm năng về tự nhiên và văn hóa của địa phương; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, bảo đảm tính hấp dẫn và bền vững. Nhờ lợi thế, tiềm năng vốn có và giải pháp phù hợp, kinh tế - xã hội của Đảo không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngư trường và chủ quyền quốc gia trên biển, xứng đáng là “phên giậu tiền tiêu” trên vùng biển Nam Trung Bộ.

Thực hiện CAO VƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)