QPTD -Thứ Tư, 10/07/2013, 21:56 (GMT+7)
Đảo, quần đảo theo Luật Biển Việt Nam

Luật Biển Việt Nam, Điều 19 quy định:

“1. Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

Quần đảo là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau.

2. Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam”.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước năm 1982) đã khẳng định: “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước” (Điều 121). “Quần đảo là một nhóm các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước nối giữa và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử” (Điều 46). Như vậy, nội hàm khái niệm về đảo, quần đảo trong Luật Biển Việt Nam là thống nhất với Công ước năm 1982.

Đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Về các vấn đề liên quan khác, như: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo, Điều 20 của Luật Biển Việt Nam quy định:

“1. Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

2. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

3. Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 của Luật này và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê tọa độ địa lý do Chính phủ công bố”.

Quy định tại Điều 20 của Luật Biển Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước năm 1982. Cụ thể: Điều 121 của Công ước quy định: “… lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của một hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”. “Những đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Tiếp đó về chế độ pháp lý của đảo, quần đảo, Luật Biển Việt Nam, Điều 21 quy định:

“1. Nhà nước thực hiện chủ quyền trên đảo, quần đảo của Việt Nam.

2. Chế độ pháp lý đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được thực hiện theo quy định tại các điều 10, 12, 14, 16 và 18 của Luật này”.

Công ước năm 1982, Điều 49 khẳng định: “Chủ quyền của quốc gia quần đảo mở rộng ra vùng nước ở phía trong đường cơ sở quần đảo được vạch ra theo đúng Điều 47, được gọi là vùng nước quần đảo, bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của chúng thế nào”. “Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời phía trên vùng nước quần đảo, cũng như đến đáy vùng nước đó và lòng đất tương ứng và đến các tài nguyên ở đó”.

Như vậy, Luật Biển Việt Nam quy định về đảo, quần đảo và những nội dung liên quan ở trên hoàn toàn phù hợp, thống nhất với Công ước năm 1982.

Tạ Quang thực hiện.

Ý kiến bạn đọc (0)