QPTD -Thứ Sáu, 20/05/2011, 08:11 (GMT+7)
Cơ sở pháp lý thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; trong đó nêu rõ:

alt
Các vùng biển theo Luật biển quốc tế
Thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

Nước CHXHCN Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam...

Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.

 Tuyên bố trên của Chính phủ Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng nhất về chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam; tiếp tục được khẳng định, cụ thể hóa trong hệ thống các luật liên quan đến biển, như: Luật Biên giới Quốc gia (2003), Luật Hàng hải (2005), Luật Dầu khí (2008) và các văn bản d­­ưới luật khác. Những quy định pháp lý về thềm lục địa của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với những quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 về thềm lục địa1.

Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp để thực hiện chủ quyền quốc gia trên thềm lục địa, như: tiến hành các hoạt động khảo sát, thăm dò trên toàn bộ vùng biển, trong đó có thềm lục địa; đã cấp phép cho một số nước có nhu cầu chính đáng trong việc lắp đặt cáp và ống ngầm, theo đúng quy định nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; ký kết Hiệp định phân định vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan (ngày 09-8-1997), Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (ngày 26-6-2003)... Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển của quốc gia; tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, cùng có lợi với các nước, góp phần củng cố an ninh, ổn định trên vùng Biển Đông.

(Trung Anh thực hiện)

           

1 - Xem "Thềm lục địa theo Công ước 1982"- Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 4-2010, tr. 98.

 

Ý kiến bạn đọc (0)