QPTD -Thứ Hai, 20/08/2018, 08:38 (GMT+7)
Chung tay bảo vệ môi trường biển

Theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học quốc tế, trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại, đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gây ra; trong đó, ô nhiễm môi trường biển đang ở mức báo động đỏ. Vì thế, khắc phục, hạn chế ô nhiễm môi trường biển đã, đang là vấn đề được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc GEF 6.
(Ảnh: TTXVN)

Đối với nước ta, cùng với các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, ngày 26-6 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, các tổ chức quốc tế tổ chức lễ phát động Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương”. Đây là hoạt động hưởng ứng kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) - cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018 và được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.

Với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu, gồm các bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác của 183 quốc gia thành viên, cùng lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, ngân hàng phát triển khu vực, tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp,… kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần này không chỉ truyền đi thông điệp về sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ môi trường toàn cầu, mà còn khẳng định những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, là dịp để chúng ta tăng cường hợp tác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ; giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam. Chính vì thế, việc phát động Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương” nhân Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ họp GEF6 càng có ý nghĩa và sự lan tỏa sâu rộng.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam tích cực phối hợp, tham gia cùng ngành Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện thường xuyên, hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển, nhằm gìn giữ môi trường biển cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Đồng thời Chương trình cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên thực hiện việc thu nhặt rác, thải rác đúng chỗ, không vứt rác ra nơi công cộng; cùng nhau sử dụng sản phẩm địa phương thân thiện môi trường và giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, v.v. Về lâu dài, Chương trình hướng tới việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương về thu gom, xử lý chất thải nhựa, nhất là chất thải nhựa trên biển; triển khai các giải pháp ngăn chặn chất thải công nghiệp, nông nghiệp và chất thải sinh hoạt chưa được xử lý thải ra biển.

Cũng trong khuôn khổ của Chương trình, các hoạt động mít tinh, cổ động, thực hành trồng cây xanh, thu gom rác thải trên bãi biển,… đã được tổ chức tại bãi biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) và ở nhiều nơi trên cả nước. Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết chung tay cùng các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu.

Phạm Cao Cường thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)