QPTD -Thứ Hai, 11/11/2019, 13:23 (GMT+7)
Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982) được 119 đoàn đại diện của các nước, trong đó có Việt Nam chính thức ký kết ngày 10-12-1982, tại Môn-tê-gô-bay của Gia-mai-ca và có hiệu lực từ ngày 16-11-1994. Sự ra đời của Công ước có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở pháp lý quốc tế gốc có giá trị cao nhất mà các quốc gia tham gia ký kết phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản. Công ước bao gồm 17 phần, 320 điều khoản và nhiều phụ lục, nghị quyết kèm theo; trong đó, có nội dung quy định chi tiết về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Theo đó, chủ quyền là quyền làm chủ tuyệt đối của quốc gia độc lập đối với lãnh thổ của mình. Chủ quyền của quốc gia ven biển là quyền tối cao của quốc gia được thực hiện trong phạm vi nội thủy và lãnh hải của quốc gia đó.

Quyền chủ quyền là các quyền của quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó vì mục đích kinh tế, bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió, v.v.

Quyền tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng, như: cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó.

Quyền chủ quyền có nguồn gốc từ chủ quyền lãnh thổ, trong khi quyền tài phán là hệ quả của quyền chủ quyền, có tác dụng hỗ trợ, tạo môi trường để thực hiện quyền chủ quyền được tốt hơn.

Và cũng theo Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở bên dưới các vùng biển đó.

Như vậy, đây là những quy định bắt buộc mà các quốc gia ký kết phải nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc, nhằm tạo sự thống nhất, trật tự, giữ gìn an ninh, an toàn, tự do hàng hải chung trên biển; đồng thời, phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, không vì lợi ích kinh tế, lợi ích quốc gia mình mà bỏ qua lợi ích chung của khu vực, thế giới, vi phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, lãnh hải của quốc gia khác đã được quy định trong Công ước, gây phức tạp tình hình an ninh trên biển. Các quốc gia cần thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện Công ước; kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng bành trướng, cường quyền, hành vi vi phạm quy định của Công ước, thiếu tôn trọng, bỏ qua luật pháp quốc tế. Mọi vướng mắc, nảy sinh, phải cùng nhau đàm phán cả song phương và đa phương, giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo sự thống nhất, đồng thuận. Không manh động, sử dụng bạo lực bởi điều đó sẽ không mạng lại lợi ích chung cho các bên.

Nguyễn Đức Phú thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)