QPTD -Thứ Hai, 24/07/2023, 17:54 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường các hoạt động đợt cao điểm chống khai thác IUU

Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”, thời gian qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường lực lượng, phương tiện trên thực địa, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, chung sức cùng cả nước sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu cho ngành Thủy sản Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc vai trò nòng cốt trong quản lý, tuần tra, giám sát,... và phối hợp xử lý kịp thời các vi phạm của tàu thuyền trên biển và yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định, công điện, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU; trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các chủ trương, giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này trong toàn lực lượng. Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức nhiều đoàn công tác với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển, đại diện các lực lượng liên ngành,... trực tiếp đi kiểm tra hoạt động nghề cá cũng như việc triển khai các biện pháp phòng, chống khai thác IUU trên các vùng biển trọng điểm. Qua đó, tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU những giải pháp căn cơ nâng cao hiệu quả mặt công tác quan trọng này; đồng thời, gửi văn bản đánh giá tình hình tàu cá vi phạm IUU cho các địa phương để phối hợp quản lý, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.  

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về IUU đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Công an,…), các lực lượng hiệp đồng (Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng), triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp cả về hành chính, tuyên truyền, vận động, nghiệp vụ pháp luật để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm khai thác IUU. Đáng chú ý, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thành lập Sở Chỉ huy phía trước để chỉ huy các lực lượng trên thực địa; chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng, phương tiện tàu thuyền phối hợp với các tàu Hải quân, Kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giám sát hoạt động thủy sản, kiểm tra thực thi pháp luật về khai thác IUU trên các vùng biển, nhất là các vùng biển trọng điểm, như: Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa, Nhà giàn DK1, vùng biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Malaysia, khu vực vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia,… nhằm ngăn chặn tàu cá Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và tuyên truyền, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Cấp phát tờ rơi, tuyên truyền về chống khai thác IUU cho bà con ngư dân.

Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đối tượng trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản. Ban Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về IUU đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan chức năng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, kết hợp với vận động ký cam kết không vi phạm của các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng, nhất là chủ tàu, thuyền trưởng các tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và các chủ doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác IUU, nhấn mạnh tác hại, hậu quả của khai thác IUU, những thiệt hại về tài sản, tính mạng khi bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền trực tiếp, thông qua sân khấu hóa; xây dựng các tiểu phẩm phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, địa phương vào khung giờ “vàng”; tổ chức chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”,... nhằm từng bước thay đổi nhận thức, hành động của ngư dân về khai thác hải sản bền vững, đúng quy định pháp luật.

Trong công tác nghiệp vụ, Ban Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về IUU đã chỉ đạo các đơn vị mở hồ sơ điều tra cơ bản chuyên đề về tàu cá, hướng tập trung vào những địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản, như: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, v.v. Trên cơ sở rà soát các tàu cá có chiều dài trên 15m, lực lượng Cảnh sát biển đã đưa hơn 3.000 tàu cá vào diện “có nguy cơ cao” vi phạm cần thường xuyên theo dõi, quản lý. Đặc biệt, qua điều tra cơ bản, sưu tra, xác minh hiềm nghi, cơ quan nghiệp vụ Cảnh sát biển đã xác định một số đường dây tổ chức cho tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác IUU, tiếp tục phối hợp với cơ quan nghiệp vụ của Công an, Bộ đội Biên phòng các địa phương đấu tranh, triệt phá.

Trên thực địa, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các tàu Cảnh sát biển và tàu phối thuộc tổ chức thành nhiều hướng, mũi, tiến hành tuần tra, kiểm soát trên biển cả ngày và đêm, nhất là trong thời điểm thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế (là thời điểm các tàu cá thường lợi dụng để trốn tránh lực lượng chức năng, sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép). Đồng thời, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển nắm chắc số lượng tàu cá có nguy cơ vi phạm cao, tàu cá ngắt kết nối tín hiệu thiết bị giám sát hành trình (VMS), tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm, lâu ngày không về địa phương, v.v.. Nhờ đó, đã giám sát chặt chẽ 24/24 giờ hoạt động của tàu cá trên vùng biển được phân công, kịp thời phát hiện sai phạm, quyết tâm ngăn chặn không để tàu cá của ngư dân ta sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Cùng với các biện pháp trên, Cảnh sát biển Việt Nam đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là trong phối hợp, trao đổi thông tin về hoạt động của tàu cá Việt Nam, tàu cá nước ngoài với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực; giải quyết các trường hợp tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ trên biển, tiếp nhận, bàn giao cho lực lượng chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, đề nghị thực hiện các cơ chế, biện pháp bảo hộ, đối xử nhân đạo với ngư dân ta1. Thông qua các kênh liên lạc, trao đổi thông tin đã thiết lập, đẩy mạnh hoạt động tuần tra liên hợp, tuần tra chung, tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, trợ giúp, bảo vệ tính mạng, tài sản, tạo chỗ dựa vững chắc, củng cố niềm tin để ngư dân ta yên tâm vươn khơi, bám biển.

Với quyết tâm chính trị, nỗ lực cố gắng cao độ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong triển khai các đợt cao điểm chống khai thác IUU đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Ý thức chấp hành pháp luật của tàu cá được nâng cao, không còn tình trạng tàu cá, ngư dân chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh tuần tra kiểm soát; số lượng tàu cá Việt Nam cố tình vi phạm khai thác IUU đã giảm mạnh2. Công tác kiểm soát, giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận khai thác hải sản đã được thực hiện nghiêm với sự tham gia tích cực của lực lượng, cơ quan chức năng. Việc ban hành chế tài và phối hợp xử lý các hành vi khai thác IUU được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, có tác dụng răn đe với các đối tượng có ý định vi phạm,… chung tay cùng cả nước quyết tâm sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu cho ngành Thủy sản Việt Nam.  

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng của lực lượng Cảnh sát biển, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ, góp phần đưa ngành Thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế, hướng tới xây dựng vùng biển an ninh, an toàn, hòa bình và hữu nghị; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, tích cực tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước đẩy nhanh đàm phán, đối thoại với các nước có vùng biển giáp ranh, sớm phân định ranh giới biển, tạo cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân khi bị lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi, bắt giữ, xử lý.

Hai là, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU tham mưu, đề xuất với Chính phủ sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý của nhà nước đối với việc quản lý, theo dõi thiết bị giám sát hành trình tàu cá và các đơn vị cung cấp thiết bị này cũng như việc lặp đặt, khai thác sử dụng, không để ngư dân can thiệp, tác động vào thiết bị đã lắp đặt.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, công khai các vụ vi phạm khai thác IUU trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giáo dục, răn đe, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, thực hiện khai thác thủy sản hợp pháp, phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển và các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống khai thác IUU, nhất là ở các vùng biển trọng điểm, kiên quyết xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đại tá LÊ ĐÌNH CƯỜNG, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển
_______________

1 - Trao đổi 89 thư với lực lượng chức năng các nước: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Campuchia.

2 - Lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 5.650 lượt tàu cá; tổ chức 74 buổi tuyên truyền cho hơn 18.560 ngư dân tại các ấp, xóm, cảng, khu vực neo, trú đậu và các tàu cá hoạt động trên biển.

Ý kiến bạn đọc (0)