QPTD -Thứ Năm, 15/12/2022, 08:38 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển

Những năm qua, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo đảm an ninh, an toàn các vùng biển của Tổ quốc, hoạt động thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức thực hiện với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.1 Đặc biệt, thời gian gần đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực thi pháp luật trên biển với quan điểm “toàn diện, vững chắc”, đồng loạt triển khai các biện pháp với tâm thế mới. Trong đó, chú trọng chỉ đạo rà soát, xây dựng các quy định về lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện công tác thực thi pháp luật trên biển bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn, cơ quan chức năng đã tổng hợp, hệ thống hóa, quy chuẩn hóa các quy định về biện pháp nghiệp vụ Cảnh sát biển; xây dựng, chuẩn hóa tài liệu giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ pháp luật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thống nhất từ Bộ Tư lệnh đến các đơn vị để thực hiện.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển kết hợp với thực hiện tốt việc hiệp đồng tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật; nâng cao khả năng nắm, phân tích, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm trên biển, kịp thời tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh theo quy định của pháp luật và thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam. Duy trì thường xuyên hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên các vùng biển; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về an ninh, an toàn hàng hải, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên biển. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam chủ động phối hợp với các lực lượng và hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật trên biển. Đã tổ chức ký kết, xây dựng quy chế, tổ chức hoạt động phối hợp trên thực địa với các lực lượng trong và ngoài Quân đội, như: Tổng cục II, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Công an, Hải quan,... nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nắm tình hình và tổ chức đấu tranh, xử lý các vụ vi phạm, tội phạm trên biển. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới; tham gia có trách nhiệm tại các diễn đàn hợp tác đa phương, các tổ chức quốc tế, như: Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á; Sáng kiến thực thi pháp luật trên biển Vịnh Thái Lan; Trung tâm chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP),... góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các biện pháp công tác trong đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên biển còn thiếu đồng bộ; tổ chức, biên chế, trang bị, đào tạo cán bộ chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ; kinh nghiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ có mặt chưa đáp ứng so với yêu cầu; nhận thức về nhiệm vụ, vai trò, chức năng thực thi pháp luật trên biển của một số cán bộ, chiến sĩ còn chưa thống nhất, toàn diện, v.v.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh dự, chỉ đạo tập huấn công tác nghiệp vụ, pháp luật

Thời gian tới, tình hình khu vực Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, khó lường. Các hành vi vi phạm, tội phạm, nhất là các vi phạm tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng, diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tổ chức chặt chẽ, phương tiện, trang bị hiện đại,… đòi hỏi công tác thực thi pháp luật trên biển của các lực lượng nói chung, lực lượng Cảnh sát biển nói riêng cần được đẩy mạnh, tăng cường, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tham mưu sắp xếp, tổ chức xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam tinh, gọn, mạnh, có tính hệ thống, chuyên sâu, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nghiên cứu, tham mưu xây dựng lực lượng Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, là lực lượng đa chức năng, làm nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Theo đó, về tổ chức lực lượng, tập trung xây dựng lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật trên biển có tính hệ thống, chuyên sâu. Xây dựng, tổ chức lại ngành Nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển theo hướng tách bạch rõ hai chức năng: chuyên trách tổ chức, đấu tranh, triệt phá tội phạm, vi phạm pháp luật theo thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam được pháp luật quy định và tham mưu, giúp Tư lệnh Cảnh sát biển kiểm soát, xử lý vi phạm, tội phạm, xây dựng thể chế, chính sách. Chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng trinh sát đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm đủ mạnh, đảm bảo số lượng, chất lượng, có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành công tác thực thi pháp luật, đảm bảo đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Để khắc phục những bất cập về nguồn nhân lực, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng, phát triển Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển lực lượng Cảnh sát biển. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tăng cường giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách; có cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, nhân viên không đủ năng lực công tác, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, nghề nghiệp.

Hai là, tiếp tục đầu tư trang bị, phương tiện đồng bộ, hiện đại, thường xuyên hiện diện tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được đầu tư đóng mới, mua sắm một số phương tiện, tàu thuyền, trang bị kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hoạt động thường xuyên, dài ngày trên biển trong điều kiện khí hậu, thủy văn phức tạp, cùng với tận dụng, khai thác, phát huy tính năng của phương tiện, tàu thuyền hiện có, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp trên đầu tư, mua sắm trang thiết bị nghiệp vụ đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các loại phương tiện, tàu thuyền, khí tài kỹ thuật, quan sát, thông tin liên lạc, trinh sát kỹ thuật,… phục vụ công tác chỉ huy điều hành, nắm tình hình, triển khai các hoạt động nghiệp vụ quy mô lớn, đảm bảo thường xuyên hiện diện tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển cũng như đáp ứng khả năng hiệp đồng tác chiến và hợp tác quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Ba là, tham mưu xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển. Thực tiễn vừa qua cho thấy, việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã tạo hành lang, cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển. Song hiện nay, hoạt động thực thi pháp luật trên biển còn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác, như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của Cảnh sát biển, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản pháp luật về biện pháp công tác, thẩm quyền điều tra hình sự, xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển nhằm phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển.

Bốn là, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân, nhất là nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và ngư dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần chủ động lựa chọn nội dung, cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, thực hiện tốt phương châm “Mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển là một tuyên truyền viên pháp luật”. Đồng thời, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức tuyên truyền và tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình tuyên truyền, như: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, “Em yêu biển, đảo quê hương”,… tạo sự gắn bó, niềm tin yêu của nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững mạnh.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp, hợp tác quốc tế. Hoạt động thực thi pháp luật trên biển đòi hỏi qua nhiều khâu, trong đó có những khâu lực lượng Cảnh sát biển không có thẩm quyền hoặc khó khăn trong triển khai thực hiện. Do đó, tăng cường công tác phối hợp, hợp tác quốc tế sẽ góp phần dự báo, tham mưu trúng, kịp thời và phát hiện, xử lý nhanh, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Để công tác phối hợp hiệu quả, thực chất, Cảnh sát biển chủ động duy trì mối quan hệ với các lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật và quy chế phối hợp đã ký kết, bảo đảm chặt chẽ, tạo sự đồng thuận, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực thi pháp luật trên biển. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm an ninh, trật tự, an toàn trên biển, nhất là những vi phạm thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Cùng với thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, cần tăng cường các hoạt động luyện tập, diễn tập, tuần tra chung. Chú trọng nâng cao vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện thiết chế hợp tác theo các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm chia sẻ thông tin tại Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện Hiệp định chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền châu Á (Hiệp định ReCAAP).

Thực thi pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Cảnh sát biển Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật và yêu cầu nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển trong tình hình mới, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát biển cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển, giữ vững an ninh, chủ quyền, trật tự, an toàn trên biển và môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠO, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
________________

1 - Từ năm 2010 đến năm 2021, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện hơn 32.000 lượt/chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm, kịp thời tuyên truyền, yêu cầu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chủ trì, phối hợp bắt giữ, điều tra, xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm pháp luật trên biển, số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước hơn 26 tỉ đồng; tổng giá trị tang vật ước tính gần 1.400 tỉ đồng.

 

Ý kiến bạn đọc (0)