QPTD -Thứ Hai, 23/08/2021, 12:57 (GMT+7)
Cảnh sát biển nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy

Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Chỉ huy Cục Nghiệp vụ và Pháp luật đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam.

Ma túy hiện đang là vấn nạn toàn cầu, tội phạm, tệ nạn về ma túy đã và đang trở thành một trong những thách thức, đe dọa an ninh ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đặc điểm toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế và mở rộng giao thương quốc tế, thời gian qua, ở Việt Nam xuất hiện một số loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài và tội phạm ma túy, hoạt động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh đó, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, khiến hoạt động vận tải đường không, đường bộ bị hạn chế, phong tỏa, kiểm soát, nên tội phạm ma túy lợi dụng tuyến vận tải đường biển để buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy vào Việt Nam hoặc quá cảnh chuyển đến nước thứ 3 tiêu thụ có xu hướng gia tăng. Hơn nữa, do việc sản xuất, chế biến các loại ma túy tổng hợp khá dễ dàng, lợi nhuận thu được từ việc buôn bán ma túy rất cao (trên 300%), nên tội phạm liên quan đến lĩnh vực này phức tạp, khó kiểm soát, có một số vụ án để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tạo tâm lý bất an trong cộng đồng, tác động xấu đến đời sống xã hội.

Trước thực trạng trên, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển và đạt được kết quả khá toàn diện1. Nổi bật là, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực đóng quân đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm ma túy2; cùng với các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng lập các chuyên án, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các vùng biển được giao. Đồng thời,  liên hệ, trao đổi chặt chẽ với cơ quan chức năng của các nước trong khu vực, thực hiện có hiệu quả các cam kết, hiệp định, biên bản ghi nhớ liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; tăng cường nghiên cứu, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm ma túy cho các cơ quan, đơn vị, lực lượng chuyên trách, các vùng Cảnh sát biển chặt chẽ, khoa học, v.v.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số mặt còn hạn chế, như: công tác phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin với các cấp, các ngành còn chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả; chưa xây dựng được chuyên án đấu tranh lâu dài; công tác phát hiện các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên các vùng biển trọng điểm, tuyến vận tải quốc tế còn hạn chế; một số cán bộ, chiến sĩ chưa nắm chắc nghiệp vụ, xử lý các vụ việc còn lúng túng, thiếu linh hoạt, nhất là các vụ án ma túy có yếu tố nước ngoài, v.v.

Dự báo thời gian tới, các hoạt động tội phạm về ma túy trên tuyến biển vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với các lực lượng, tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Đây là giải pháp quan trọng, bảo đảm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhận thức sâu sắc tác hại của ma túy, tệ nạn ma túy, từ đó xây dựng các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn không để ma túy xâm nhập vào cơ quan, đơn vị, gia đình; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, giữ trong sạch địa bàn. Theo đó, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nắm và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên án phòng, chống tội phạm ma túy; tập trung giáo dục làm cho thế hệ trẻ tránh xa ma túy, tệ nạn ma túy. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải toàn diện, rõ ràng, cụ thể, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào những vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến ma túy và tội phạm ma túy; chú trọng các quy định về tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ Luật hình sự Việt Nam; Luật Phòng, chống ma túy; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị; Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg, ngày 09/10/2002 và Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg, ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, v.v. Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đối tượng, địa bàn, nhất là địa bàn ven biển, trọng điểm, phức tạp về ma túy, khu vực âu tàu, bến cảng. Quá trình tuyên truyền, vận động cần lồng ghép với thực hiện “Chương trình em yêu biển đảo quê hương”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, v.v.

 Ngoài ra, Cục còn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ký cam kết tự giác chấp hành các luật, chỉ thị, quy định về phòng, chống ma túy, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm: phát hiện, cung cấp thông tin về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Hai là, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đạt hiệu quả, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển căn cứ vào tình hình thực tiến, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, như: xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức trinh sát nắm chắc địa bàn, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng phạm tội trên biển, tập trung địa bàn, khu vực trọng điểm, các cảng biển, cửa lạch, âu tàu; rà soát các đối tượng có tiền án, tiền sự, lập danh sách, quản lý, theo dõi, nhất là đối tượng trong diện nghi vấn về ma túy; xây dựng các phương án đấu tranh với tội phạm ma túy trên các vùng biển, v.v. Lựa chọn, xây dựng cơ sở, lực lượng nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy. Cùng với lực lượng Công an, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, lập các chuyên án, xác định các biện pháp điều tra ban đầu, xác lập hồ sơ vụ án bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, đúng thủ tục, nguyên tắc, v.v. Thường xuyên phối hợp với Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khả năng xử lý các vụ việc cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy.

Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp với các lực lượng liên quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Đây là giải pháp nhằm tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, bảo đảm an ninh, an toàn các vùng biển Việt Nam. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, đặc điểm hoạt động của tội phạm ma túy, lực lượng Cảnh sát biển chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệp đồng với các thành phần, lực lượng, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quân, Hải quan, Kiểm ngư,… trong từng tình huống, phương án, chuyên án cụ thể, bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin; xây dựng chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác lập chuyên án triệt phá các tổ chức, đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia; thống nhất cách thức, biện pháp xử lý và hành động của từng bộ phận trong từng tình huống cả trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát các phương tiện tàu, thuyền, các đối tượng nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy trên tuyến biển, chú trọng các tàu đánh cá mang biển hiệu nước ngoài, tàu nước ngoài hoạt động tại vùng biển của Việt Nam, tàu vận chuyển hàng hóa đi quốc tế, v.v. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các vùng Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chuyên trách, cơ quan chức năng mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tập trung vào các dịp lễ, tết, thời gian diễn ra sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Sau mỗi đợt phối hợp thực hiện nhiệm vụ, mỗi chuyên án tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn tiếp theo.

Bốn là, thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế, hiệp định, hiệp ước, biên bản ghi nhớ về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đã ký với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là giải pháp quan trọng, tạo hành lang pháp lý rộng rãi cả trong nước và quốc tế để các lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, hống tội phạm ma túy của Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ. Cơ quan đối ngoại phối hợp với Cục Nghiệp vụ và Pháp luật tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thường xuyên kiểm tra, rà soát các nội dung, chỉ tiêu, kế hoạch, chương trình đã ký để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Tập trung vào các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, tuần tra chung trên biển, xử lý các vấn đề phát sinh, v.v. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển của các quốc gia, tổ chức điều tra, xác minh, bắt giữ và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật, Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế cũng như các cam kết, hiệp định, biên bản ghi nhớ, tránh để ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu ký kết các hiệp ước, hiệp định, nhất là hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, tạo hành lang pháp lý vững chắc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển.

Những giải pháp trên là cơ sở quan trọng bảo đảm cho lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển; xứng đáng là lực lượng trực tiếp, quả cảm trên trận tuyến đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên biển nói chung, tội phạm ma túy nói riêng.

Đại tá, ThS. LƯƠNG ĐÌNH HƯNG, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật
___________________________

1 - Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp đấu tranh, bắt giữ 134 vụ/172 đối tượng; đề nghị khởi tố 72 vụ/78 đối tượng; thu giữ: 133,16 kg ma túy các loại (32,4 kg heroin; hơn 100,26 kg ma túy tổng hợp; 0,5 kg cần sa); 01 súng quân dụng, 08 viên đạn; 15 xe ô tô, 47 xe máy và hơn hai tỷ đồng, v.v.

2 - Tổ chức 15 đợt tuyên truyền cho 7.630 lượt người và phương tiện; phát hơn 8.000 tờ rơi, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)