Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:23 (GMT+7)
Việt Nam có vùng biển và thềm lục địa rộng gần gấp ba lần diện tích đất liền và là một trong những khu vực giàu tài nguyên, với các tiềm năng lớn về hải sản, dầu khí, năng lượng sạch và du lịch, v.v. Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố, vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi từ các loài động vật ước tính khoảng 32,5 tỷ tấn; trong đó, các loài cá chiếm tới 86%. Những năm gần đây, sản lượng khai thác hải sản thường xuyên đạt trên 2 triệu tấn/năm, góp phần đưa ngành thủy sản nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD/năm. Điều đáng nói là, vùng biển Việt Nam quanh năm có cá đẻ và thường phân theo đàn, hình thành các bãi cá lớn, cả ở gần bờ và xa bờ với trên 2.000 loài cá; trong đó, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Đây là tiền đề quan trọng, đưa nước ta trở thành quốc gia có tiềm năng phát triển thủy sản trên thế giới.
Dầu khí cũng là một trong những nguồn tài nguyên có triển vọng lớn của vùng biển Việt Nam. Theo các kết quả nghiên cứu về địa chất - địa vật lý, Việt Nam có nhiều bể trầm tích lớn chứa dầu khí ở thềm lục địa, như: bồn trũng sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây và Trường Sa - Hoàng Sa; trong đó, bồn trũng Cửu Long có trữ lượng lớn nhất. Các dự báo cũng cho thấy, trữ lượng dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam ước đạt 10 tỷ tấn quy dầu và khoảng 3.000 tỷ m3 khí/ năm. Với trữ lượng đó, sản lượng khai thác dầu khí hằng năm của nước ta luôn tăng trưởng ổn định, từ 1 triệu tấn (năm 1988) đến 23,34 triệu tấn (năm 2010). Qua đó đã đưa ngành Dầu khí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luôn đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Ngoài ra, vùng biển Việt Nam cũng có triển vọng lớn về băng cháy (khí hydrate). Đây là nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và có thể giữ vai trò thay thế tiềm tàng nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Nhận rõ tầm quan trọng của nguồn năng lượng này, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 796/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”.
Đặc điểm của vùng biển Việt Nam là “biển hở”, lại nằm trọn trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, nên vừa nhận được bức xạ mặt trời nhiều nhất, vừa chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình. Đây được xem là nguồn năng lượng sạch to lớn của nước ta, đặc biệt trong việc phát triển năng lượng gió (phong điện); năng lượng mặt trời; năng lượng sóng biển và thủy triều,… để phát triển công nghiệp và đời sống dân sinh. Mặt khác, do đặc điểm kiến tạo địa chất, vùng ven biển nước ta có nhiều dãy núi đá vôi vươn ra sát biển, tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn - thủy rất đa dạng, nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động cùng các đảo và bán đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành hệ sinh thái đảo hấp dẫn,… tạo tiềm năng phát triển mạnh mẽ ngành du lịch. Cùng với đó, vùng biển và ven bờ nước ta nằm kề bên các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, có những vịnh sâu, kín gió, tạo tiềm năng lớn để phát triển hệ thống giao thông vận tải đường biển, mở rộng giao lưu với bên ngoài.
Với những tiềm năng to lớn kể trên, vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam đã, đang có vai trò to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cũng có thể luôn là mục tiêu nhòm ngó của các thế lực nước ngoài, nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nâng cao cảnh giác; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Văn Doanh thực hiện
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An