Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:29 (GMT+7)
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Tỉnh Nghệ An có 82 km bờ biển, trải dài qua 03 huyện (Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu) và 02 thị xã (Cửa Lò, Hoàng Mai), với 34 xã, phường khu vực biên giới biển, dân số là 76.752 hộ/327.527 khẩu; có các cảng: Cửa Lò, Bến Thủy, Nghi Hương, Hưng Hòa và cảng quốc tế Vissai, cảng xăng dầu DKC; 02 đảo (Hòn Ngư và Hòn Mắt); 06 cửa sông, cửa lạch (Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội). Đây là địa bàn có nhiều thuận lợi để nhân dân trong Tỉnh và các địa phương khác tổ chức triển khai các hoạt động kinh tế biển, trong đó có hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển. Tính đến thời điểm tháng 11/2022, toàn Tỉnh có 3.404 tàu cá/16.868 lao động trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có 1.116 tàu đánh bắt xa bờ. Do số lượng tàu thuyền khai thác hải sản nhiều, vùng biển rộng, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế; trong khi đó, lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng Tỉnh mỏng, công tác nắm tình hình, theo dõi tàu cá hoạt động khai thác hải sản, cũng như kiểm tra việc thực thi pháp luật trên biển gặp nhiều khó khăn, chế tài xử lý tàu cá vi phạm còn nhiều bất cập, nên hiện tượng vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản vẫn còn xảy ra. Trong các năm: 2019, 2020, 2021 và 2022 lần lượt Tỉnh có 11, 22, 09 và 20 lượt tàu cá vi phạm; riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có 22 tàu cá vi phạm các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), vi phạm vùng biển nước ngoài, bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Trước thực tế đó và trên cơ sở quán triệt, triển khai các quyết định, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ và cấp trên về chống khai thác IUU, trực tiếp là Kế hoạch số 277/KH-BĐBP, ngày 19/01/2023 và Công văn số 758/BĐBP-TM, ngày 28/02/2023 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tăng cường thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 01/3/2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Đề án “Tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2026”, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã ra nghị quyết lãnh đạo triển khai thực hiện phòng, chống khai thác IUU; Kế hoạch số 199/KH-BCH, ngày 02/02/2023 về chống khai thác IUU năm 2023 và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Nghệ An khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/3/2023. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo các đơn vị Biên phòng tuyến biển phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống khai thác IUU theo Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU.
Trong đánh bắt hải sản trên biển, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân là yếu tố trực tiếp quyết định việc khai thác hải sản đúng quy định hay không. Từ thực tiễn đó, thời gian qua, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của trên và đặc điểm địa bàn, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển và các lực lượng có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân dưới nhiều hình thức. Tập trung vào các văn bản, như: Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy định về chống khai thác IUU. Quá trình triển khai, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo các đơn vị giao nhiệm vụ cho đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển tiến hành tuyên truyền, vận động trực tiếp tới các chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết chấp hành các hoạt động khai thác hải sản theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn ngư dân thực hiện việc ghi chép, nộp nhật ký, báo cáo khai thác; duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định. Công khai vụ việc vi phạm bị xử lý pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, cảnh báo, răn đe hậu quả hành vi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, v.v.
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Trọng tâm là duy trì thực hiện nghiêm Quy định số 4968/QyĐ-BĐBP, ngày 02/12/2021 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác tuần tra trên biển của đồn Biên phòng tuyến biển, đảo; tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập lạch theo Quy định số 3256/QyĐ-BĐBP, ngày 08/8/2022 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về phạm vi, nhiệm vụ và nghiệp vụ kiểm soát Biên phòng của trạm kiểm soát biên phòng tuyến biển. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tàu cá xuất, nhập lạch hoạt động khai thác hải sản trên biển, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về thủ tục đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; vi phạm luồng lạch, sử dụng ngư lưới cụ không đúng quy định và các hành vi vi phạm quy định về sử dụng thiết bị giám sát hành trình của ngư dân. Kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng, quyết toán các nguồn kinh phí trên cấp phục vụ công tác chống khai thác IUU tại các đơn vị.
Để nâng cao hiệu quả, Bộ đội Biên phòng Tỉnh thường xuyên duy trì việc chia sẻ thông tin giám sát hành trình tàu cá theo Công văn số 1777/BTM-QLB, ngày 21/7/2020 của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp liên ngành trong trao đổi, xử lý thông tin chống khai thác IUU. Chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Chi cục Thuỷ sản, Hải đoàn 38 Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh nắm chắc tình hình tàu cá của Tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các tàu cá mất, bị cắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ các đơn vị tuyến biển tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra cơ bản theo quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng, đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài theo kế hoạch. Lập hồ sơ thống kê, phân loại, kiểm tra giám sát chặt chẽ các tàu thuộc diện “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch, bến neo đậu tàu thuyền và trên biển được 283 đợt/1.059 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; đăng ký kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến được 20.945 lượt phương tiện/100.817 lượt lao động ra vào cửa sông, lạch, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Phối hợp với Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, các sở, ban, ngành tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng. Tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh, Chi cục Thủy sản kiểm tra công tác phòng, chống khai thác IUU tại các cảng cá; Tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn, phục vụ chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ tư được 04 đợt/04 tổ công tác liên ngành. Đã phát hiện, xử lý 48/66 phương tiện vi phạm các quy định về hoạt động đánh bắt hải sản, xử phạt vi phạm hành chính 467.500.000đ. Hoàn chỉnh hồ sơ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 02 vụ/10 phương tiện theo thông báo của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển,… được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao
Phát huy kết quả đạt được, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh chống IUU, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1077/QĐ-TTg, ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”; Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ tư; Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 01/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn địa bàn quản lý.
2. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, lực lượng liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về chấp hành các quy định khai thác thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Gắn trách nhiệm của đảng viên đồn Biên phòng với nhiệm vụ giúp đỡ các gia đình ở khu vực biên giới biển và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về chống khai thác IUU.
3. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị trên địa bàn tuyến biển tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa đối với ngư dân về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước lân cận về việc đánh bắt và khai thác thủy sản trên biển. Phối hợp thực hiện có hiệu quả trong việc khai thác, vận hành, sử dụng hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển. Kiên quyết xử lý vi phạm đối với các tàu cá không lắp giám sát hành trình, để mất kết nối giám sát hành trình, không có giấy phép, không đánh dấu tàu cá.
4. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá) thực hiện có hiệu quả Tổ công tác thanh tra, kiểm soát liên ngành tại các cảng cá theo hướng dẫn về khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU và Luật Thủy sản năm 2017.
5. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, cập bến, kiên quyết không cho xuất bến khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định, không đảm bảo các điều kiện an toàn cho người và tàu cá; các quy định khác có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. v
Đại tá NGUYỄN CÔNG LỰC, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
tỉnh Nghệ An,Bộ đội Biên phòng,chống khai thác hải sản bất hợp pháp,tích cực đấu tranh
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển 17/10/2024
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 27/09/2024
Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc 23/09/2024
Đoàn Đặc nhiệm số 2 nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên biển 19/09/2024
Lữ đoàn 131 thi đua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 09/09/2024
Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân 28/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 126 tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 12/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An