QPTD -Thứ Năm, 02/06/2011, 02:06 (GMT+7)
Báo cáo của Chính phủ Việt Nam về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý
Ngày 28-8-2009, tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc, đại diện Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông; và phía Nam Biển Đông (báo cáo chung Việt Nam - Ma-lai-xi-a); theo đó:

a- Về cấu trúc địa lý thềm lục địa Việt Nam: Theo kết quả khảo sát, đo đạc của các cơ quan chuyên môn nước ta: phần lớn thềm lục địa Việt Nam kéo dài tự nhiên vượt quá đường 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Rõ ràng nhất là vùng ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, vùng biển Tây Nam và Đông Nam...; đáy biển ở các khu vực này đều có độ dốc thoai thoải kéo dài tới hàng trăm hải lý.

1 - Quy định: thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý tính từ đường cơ sở (tức là trùng khít với vùng đặc quyền về kinh tế). Nếu bờ rìa ngoài của thềm lục địa vươn xa hơn thì quốc gia ven biển có quyền xác định thềm lục địa của mình theo hai cách: 1- Nối các điểm cố định tận cùng nào  mà bề dày lớp đá trầm tích ít nhất cũng bằng 1% khoảng cách từ điểm được xét cho tới chân dốc lục địa. 2- Nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý.  Trong cả hai cách trên, các điểm nối không được xa quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m.
b- Về phương pháp xác định: Trước hết, cần nhấn mạnh Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện Báo cáo đảm bảo đúng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và khoa học của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc. Báo cáo đã phân tích rõ cơ sở khoa học việc luận giải các quy định (Điều 76)1 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982), thực tiễn áp dụng để xác định các điểm mốc 350 hải lý tính từ đường cơ sở, các điểm 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m, các điểm cách chân dốc lục địa 60 hải lý; đồng thời cũng nêu rõ những luận cứ thực tế về thềm, dốc, bờ, rìa lục địa; các thông số về trầm tích, địa chất, địa mạo đáy biển, số liệu thủy văn... ở các khu vực thềm lục địa mở rộng của Việt Nam.

Việc Việt Nam xây dựng và đệ trình Báo cáo quốc gia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý là hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật Biển 1982, quy tắc và kế hoạch công tác của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển, khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ trương giải quyết mọi bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Hiện nay đã có hơn 50 nước có Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc. Sau khi được thông qua, việc xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng sẽ có giá trị pháp lý quốc tế. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với các quốc gia ven biển nói chung, nước ta nói riêng trong việc bảo vệ quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực đó; bao gồm mọi tài nguyên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển (nhất là dầu mỏ, khí đốt, băng cháy) và các tài nguyên sinh vật định cư trên mặt đất của đáy biển, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển của quốc gia.

(Đăng Vũ thực hiện)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)