QPTD -Chủ Nhật, 16/01/2022, 21:04 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện nay

Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với ngành kỹ thuật Quân đội, việc xây dựng đội ngũ cán bộ này vừa là vấn đề cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, cần được triển khai thực hiện với các chủ trương, giải pháp đồng bộ, theo lộ trình xác định.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược là lực lượng nòng cốt của ngành Kỹ thuật Quân đội, giữ trọng trách lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo, quản lý kỹ thuật ở cấp chiến lược, chiến dịch trong toàn quân; có vai trò nòng cốt trong tham mưu, đề xuất xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch trung hạn, dài hạn, các đề án, dự án về công tác kỹ thuật và tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật ở các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, góp phần tổ chức bảo đảm kỹ thuật cho toàn quân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật, các cục chuyên ngành đã chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có kiến thức, trình độ tương xứng; đã trải qua rèn luyện, thử thách, trưởng thành trong thực tiễn. Trong đó, đa số đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, chỉ huy, quản lý kỹ thuật ở đơn vị; có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm chỉ huy, quản lý, phong cách, phương pháp công tác phù hợp; luôn quán triệt, nắm vững đường lối quốc phòng, quân sự, tham mưu đề xuất các chủ trương, giải pháp về công tác kỹ thuật quân sự, hướng dẫn đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ; có khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp tình hình, xử lý các tình huống theo nhiệm vụ, chức trách được giao, v.v.

Thủ trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng chủ trì Hội nghị Giải trình nhiệm vụ
công tác kỹ thuật

Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược còn một số bất cập; quá trình đào tạo, sử dụng mang tính chuyên sâu theo chuyên ngành nên nhận thức trên các lĩnh vực có nội dung chưa toàn diện, thiếu liên ngành, hệ thống; kiến thức, trình độ quân sự, tham mưu tác chiến có mặt còn bất cập; khả năng đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo có nội dung chưa sâu, v.v. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược có cơ cấu hợp lý, số lượng phù hợp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội theo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Quá trình tiến hành phải vận dụng, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ theo lộ trình xác định; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, làm tốt công tác tham mưu, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019 và Kế hoạch số 405-KH/QUTW, ngày 24/04/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và căn cứ vào điều kiện thực tiễn, thời gian tới, lãnh đạo, chỉ huy Cục Kỹ thuật Binh chủng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Tổng cục Kỹ thuật tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn, sử dụng cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược bảo đảm tiêu chí đã xác định. Bên cạnh các tiêu chuẩn: đào tạo cơ bản, hệ thống, tiêu biểu về chính trị, phẩm chất, năng lực, uy tín cao, hiểu biết toàn diện về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và pháp luật,… cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Tổng cục, cấp Cục cần trải qua thực tiễn quản lý, chỉ huy đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cấp dưới trực tiếp. Cán bộ cơ quan có chức năng chỉ đạo toàn quân phải nắm vững các loại hình đơn vị, thông thạo nghiệp vụ, hiểu biết về vũ khí, trang bị kỹ thuật, nghệ thuật quân sự, có khả năng tổng kết, hoạch định tầm chiến dịch, chiến lược, tham mưu tốt cho lãnh đạo, chỉ huy trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Cùng với đó, Tổng cục Kỹ thuật cần đề xuất, phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các học viện, nhà trường Quân đội hoàn thiện nội dung, chương trình bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ chỉ huy, quản lý về kỹ thuật; tăng chỉ tiêu và mở rộng đối tượng đào tạo tại Học viện Quốc phòng. Chỉ đạo ngành Kỹ thuật tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật nói chung và cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược nói riêng bảo đảm các tiêu chí, mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đồng thời, rà soát, tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan: kỹ thuật, tham mưu, hậu cần, bảo đảm thống nhất trong toàn quân về tổ chức, biên chế, trách nhiệm, phạm vi quản lý, sử dụng, tạo nguồn, đào tạo, bổ nhiệm cụ thể đến từng đối tượng cán bộ kỹ thuật,… phù hợp với từng loại hình đơn vị. Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược có chức danh chuyên môn kỹ thuật cao, tạo động lực phấn đấu, học tập, cống hiến nhiều hơn cho Quân đội, v.v.

Hai là, thực hiện tốt việc quản lý, quy hoạch, sử dụng cán bộ kỹ thuật, bảo đảm sự kế tiếp, kế cận và kế thừa. Căn cứ sự phát triển đường lối quân sự, quốc phòng, tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là các yêu cầu, nhiệm vụ mới, cấp ủy, chỉ huy cơ quan kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược thường xuyên bổ sung hoàn chỉnh tiêu chuẩn chức danh; quy định tiêu chí tuyển chọn, sử dụng cán bộ kỹ thuật cấp mình. Trên cơ sở đó, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với từng cơ quan, đơn vị hằng năm, giai đoạn, bảo đảm khắc phục tình trạng thiếu hụt và mất cân đối về cơ cấu, số lượng, chất lượng cán bộ. Trong quá trình thực hiện, cần tập trung xây dựng và thực hiện chặt chẽ quy trình, từ phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, lựa chọn, kiểm tra, phỏng vấn, đánh giá đối với cán bộ kỹ thuật trước khi điều động về cơ quan, cơ sở kỹ thuật chiến dịch, chiến lược. Trong đó, thường xuyên rà soát, nghiên cứu kết quả quy hoạch sắp xếp cán bộ chủ trì; nhận xét, đánh giá cán bộ về phẩm chất, đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều kiện sức khoẻ, tuổi đời,... bảo đảm chặt chẽ, khách quan để lựa chọn những cán bộ có chất lượng cao đưa vào nguồn cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược. Coi trọng các yếu tố: kết quả học tập khi được đào tạo, bồi dưỡng; kết quả thực hiện nhiệm vụ trên nhiều chức vụ, chức trách,… để đánh giá chính xác năng lực của cán bộ kỹ thuật. Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chú trọng phát hiện tài năng, nguồn cán bộ từ sớm để chủ động đào tạo, bồi dưỡng; giao trọng trách trong thực hiện nhiệm vụ để tạo điều kiện thử thách, phát triển tài năng, xây dựng nền tảng kiến thức về chỉ huy, tham mưu, quản lý, sẵn sàng cho các nhiệm vụ mới cao hơn. Quá trình hoạt động, phải chủ động giao cho cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược chủ trì và tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, đề xuất xây dựng các đề án, dự án ở cấp chiến dịch, chiến lược, xây dựng kế hoạch, chương trình bảo đảm kỹ thuật trung hạn và dài hạn để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Hằng năm, lấy kết quả nghiên cứu làm cơ sở đánh giá, xét, công nhận chức danh chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược. Để hoàn thành tốt chức năng quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm của cơ quan và cơ sở bảo đảm kỹ thuật, chỉ huy các cơ quan kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược kết hợp linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao trình độ toàn diện về nhận thức chính trị, tham mưu tác chiến và cập nhật những kiến thức mới về khoa học, công nghệ. Chú trọng kết hợp đào tạo cơ bản, đào tạo lại, nâng cao, chuyên sâu để có nhiều chuyên gia đầu ngành, công trình sư, tổng công trình sư,… góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngang tầm nhiệm vụ. Thường xuyên quan tâm, xây dựng hệ thống đối tác chiến lược trong đào tạo, bồi dưỡng; có quy chế phối hợp với các viện, nhà trường, chuyên gia để sẵn sàng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo ngắn về chỉ huy, quản lý, bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ hoặc cập nhật kiến thức mới, nhằm nâng cao chất lượng và mức độ chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến. Kết hợp nghiên cứu, mở rộng đối tượng tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và các trường kỹ thuật trong Quân đội đáp ứng yêu cầu trước mắt.

Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức hội thi cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược giỏi theo khối, nhóm chuyên ngành kỹ thuật; tổ chức diễn tập bảo đảm kỹ thuật tổng hợp, chuyên ngành ở cấp chiến dịch, chiến lược vừa tạo môi trường rèn luyện, cơ hội thử thách đội ngũ này trong thời bình, vừa kiểm nghiệm thực tế, hoàn chỉnh lý luận về công tác kỹ thuật trong tình hình mới, trong chiến tranh công nghệ cao, phi truyền thống. Qua đó, giúp lực lượng này không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; làm tiêu chí đánh giá, lựa chọn đội ngũ cán bộ kỹ thuật chiến dịch, chiến lược có chất lượng cao.

Bốn là, đẩy mạnh luân chuyển cán bộ để nâng cao khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn. Thực tiễn cho thấy, cán bộ kỹ thuật càng trải qua nhiều mô hình đơn vị chiến đấu, sửa chữa, sản xuất, như: quân chủng, quân đoàn, binh chủng, nhà máy, kho, xưởng, cơ sở đào tạo,… thì hiệu quả công tác sẽ được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, Ngành cần đẩy mạnh, làm tốt công tác luân chuyển cán bộ kỹ thuật có năng lực, tạo nguồn phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại. Theo đó, Ngành cần luân chuyển theo ba hình thức: cấp, loại hình đơn vị; chuyên ngành kỹ thuật; các loại cơ sở bảo đảm kỹ thuật. Bên cạnh đó, Ngành chú trọng luân chuyển công tác qua nhiều địa bàn, nơi trọng điểm khó khăn giúp cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược nắm chắc địa bàn toàn quân, có nhiều biện pháp tham mưu, đề xuất sát nhu cầu thực tiễn bảo đảm kỹ thuật của đơn vị. Thông qua luân chuyển để tạo động lực mới cho cán bộ trong tu dưỡng, rèn luyện, tạo sự đoàn kết, thống nhất, không cục bộ, khép kín trong từng đơn vị, địa bàn; đồng thời, tăng cường cán bộ cho các đơn vị, địa bàn trọng điểm, khó khăn, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác kỹ thuật.

Cùng với đó, Ngành tích cực hợp tác kỹ thuật quân sự với quân đội các nước, nhất là các nước lớn, các nước đối tác. Mở rộng trao đổi đoàn, hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật quân sự; duy trì đối thoại, tiếp xúc thông qua các diễn đàn hợp tác quân sự hoặc thông qua phân ban hợp tác quốc phòng, quân sự với các nước, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng, phát triển ngành Kỹ thuật Quân đội ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH PHONG, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.