QPTD -Thứ Ba, 07/07/2020, 07:49 (GMT+7)
Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam nâng cao hiệu quả khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Bom mìn tồn sót sau chiến tranh ở Việt Nam đã và đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên nhiều mặt, cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Vì vậy, giảm thiểu, tiến tới khắc phục một cách bền vững tác động, hậu quả của bom mìn là nhiệm vụ cấp bách, trách nhiệm của toàn xã hội; trong đó, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) giữ vai trò quan trọng trong tham mưu, điều phối thực hiện.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng lượng bom mìn, vật nổ sót lại vô cùng lớn, làm ô nhiễm khoảng 6,13 triệu héc-ta đất, không chỉ gây nguy hại đối với cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác an sinh xã hội và sự phát triển của đất nước. Theo thống kê, chỉ tính riêng số bom mìn, vật nổ từ năm 1945 - 1975 mà quân đội các nước sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Từ khi chiến tranh kết thúc (4-1975) đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương; trong đó, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, v.v. Điểm đáng chú ý là, phần lớn nạn nhân bom mìn đều là lao động chính trong gia đình, nhiều người tuy còn sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và xã hội.

Nhận rõ thực trạng đó, Đảng, Nhà nước đã đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh bằng nhiều nội dung, giải pháp quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Chương trình 504), thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình 504 và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504, thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này từ Trung ương tới các địa phương. Đồng thời, thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm), đảm nhiệm vai trò là cơ quan tham mưu, điều phối, chủ trì phối hợp thực hiện Chương trình 504 và triển khai hoạt động hợp tác quốc tế, vận động, tiếp nhận tài trợ quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn ký Bản ghi nhớ về hợp tác và cung cấp cố vấn kỹ thuật cấp cao cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam

Sau 05 năm hoạt động, Trung tâm đã hoàn thành tốt chức năng là cơ quan giúp việc trực tiếp của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Nổi bật là, Trung tâm đã làm tốt công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai, đảm bảo khoa học, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ và yêu cầu của từng dự án, đạt hiệu quả thiết thực; đồng thời, tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ nhân đạo bom mìn. Công tác điều phối, quản lý dự án, khảo sát, rà phá bom mìn được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Cùng với đó, Trung tâm thường xuyên coi trọng công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, vận động các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ, huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Nhờ sự tham mưu tích cực, chủ động của Trung tâm cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nòng cốt là lực lượng Công binh, đến nay, hàng triệu quả bom mìn, vật nổ các loại đã được thu gom, xử lý, giải phóng hàng trăm nghìn héc-ta đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn, vật nổ gây ra, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nhất là ở những nơi có mật độ ô nhiễm bom mìn lớn.

Tuy nhiên, do số lượng bom mìn còn sót lại quá lớn, nên tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ hiện vẫn còn rất nặng nề. Đáng chú ý là, phần lớn những vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ, kinh tế đều chậm phát triển, các nhà đầu tư không dám mạo hiểm khi đầu tư, người dân thường có tâm lý lo sợ khi canh tác, dẫn đến năng suất lao động không cao, v.v.

Thời gian tới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm xác định phải tập trung đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai toàn diện các mặt công tác, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình 504; trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cả cộng đồng xã hội đối với việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, làm cơ sở để người dân phòng, tránh hiệu quả với các tai nạn do bom mìn gây ra, nhất là những khu vực có mức độ ô nhiễm lớn. Mục đích tuyên truyền không chỉ làm cho các tầng lớp nhân dân trong nước mà cả quốc tế thấy rõ số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên phạm vi cả nước; những tác hại, hậu quả nghiêm trọng mà nó đã gây ra cũng như nguy cơ đang đe dọa thường trực đối với đất nước, con người, xã hội Việt Nam; đặc biệt là những di chứng nặng nề, lâu dài do bom mìn, vật nổ gây ra và để lại, v.v. Để làm được điều đó, Trung tâm đa dạng hóa hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền cao điểm nhân Ngày thế giới phòng, chống bom mìn (ngày 04-4 hằng năm). Đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 7011, trực tiếp là Trung tâm trong việc tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động tuyên truyền. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế (hãng Discovery,...) thông qua cơ quan chuyên trách để tuyên truyền với nhiều hình thức, như: báo hình, báo nói, mạng xã hội,... nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tới lương tri nhân loại và cộng đồng xã hội, nhất là các nước đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam, các tổ chức nhân đạo quốc tế, v.v. Qua đó, không chỉ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, mà còn tranh thủ vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước phục vụ thiết thực nhiệm vụ quan trọng này.

2. Nâng cao năng lực tham mưu, quản lý, điều hành của Trung tâm trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Trước mắt, Trung tâm tích cực tham mưu cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701 xây dựng, trình Bộ Quốc phòng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 18/2019/NĐ-CP, ngày 01-02-2019 của Chính phủ “Về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh”. Đồng thời, tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia rà phá, xử lý bom mìn; tập trung mọi nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701 và kế hoạch Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025. Trong đó, ưu tiên sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của quốc gia và quốc tế, nhằm khắc phục cơ bản tác động và hậu quả của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giúp đỡ hiệu quả nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Chương trình Hành động, kế hoạch của Ban Chỉ đạo cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng; trong đó, nòng cốt, trực tiếp là lực lượng Công binh toàn quân. Những năm qua, mặc dù lượng bom mìn, vật nổ tồn lưu lớn, nằm rải rác ở nhiều địa bàn khác nhau, trong khi yêu cầu nhiệm vụ rà phá, khắc phục bom mìn, nhất là công tác bảo đảm an toàn đòi hỏi cao, nhưng lực lượng Công binh đã tích cực chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị Công binh xây dựng kế hoạch, lập phương án, tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ các loại, tập trung ở những địa bàn trọng điểm, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, biên giới,... phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh. Thời gian tới, phấn đấu đạt khối lượng diện tích khoảng 50.000 ha/năm, giảm tỉ lệ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc xuống dưới 15%, tập trung giải quyết, xử lý tại các địa phương bị ô nhiễm nặng.

3. Tổ chức tốt hoạt động điều phối các dự án và tăng cường hợp tác quốc tế. Trong phạm vi Chương trình 504, Trung tâm sẽ ưu tiên, tổ chức điều phối, khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng triển khai khảo sát, lập dự án rà phá bom mìn để vận động tài trợ quốc tế. Phối hợp với các bộ, ngành để đàm phán, vận động và ký kết thực hiện dự án với các nhà tài trợ giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng dự án, trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 05 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị bằng nguồn vốn tài trợ của các nước, các tổ chức trong nước và quốc tế. Đồng thời, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư triển khai Dự án Khảo sát kỹ thuật và lập bản đồ chi tiết các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2 trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện; triển khai dự án “Xây dựng quy trình khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh” tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.

Để nâng cao hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn, Trung tâm tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế một cách toàn diện, đầy đủ hơn nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là về công tác huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị chuyên dùng, nghiên cứu khoa học, v.v. Trong đó, tập trung mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng; củng cố và thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực với các đối tác chính, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hung-ga-ry, Nhật Bản, Úc, Đức, Thụy Sỹ, Nga,... và các cơ quan thuộc chính phủ các nước, tổ chức quốc tế (JICA, KOICA, UNDP,...). Tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thúc đẩy hoạt động của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn (MAPG), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hợp tác trung hạn và dài hạn về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Thiếu tướng PHÙNG NGỌC SƠN, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam
_____________

1 - Ngày 24-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 701/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) trên cơ sở Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.