Thứ Ba, 10/09/2024, 15:32 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị; trong đó, Quân đội nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Vì thế, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ là yêu cầu đặt ra cấp thiết đối với toàn quân hiện nay.
Những năm gần đây, tình hình thiên tai, sự cố ở nước ta tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, với nhiều biểu hiện cực đoan, bất thường, thậm chí trái quy luật, gây hậu quả nặng nề về mọi mặt. Chỉ tính riêng năm 2017, đã xảy ra 16 cơn bão, 04 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 05 đợt mưa lũ nghiêm trọng ở miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, các vụ lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái,... làm thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân. Theo thống kê, năm 2017, thiên tai, sự cố làm chết hơn 1.000 người; chìm gần 02 nghìn phương tiện; sập đổ hơn 07 nghìn nhà dân; cháy hơn 900 nhà xưởng; sạt lở hơn 01 triệu khối đất đá, v.v. Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay.
Thấu suốt điều đó và trên cơ sở xác định rõ vai trò nòng cốt, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong thực hiện công tác này, đạt nhiều kết quả quan trọng, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Năm 2017, Quân đội đã điều động gần 340.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 6.300 lượt phương tiện tham gia công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; xử lý hiệu quả gần 1.200 vụ, cứu được gần 2.400 người và 120 phương tiện bị nạn. Cơ quan chức năng còn tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân kêu gọi, hướng dẫn cho hơn 744.250 phương tiện với hơn 03 triệu ngư dân vào nơi tránh, trú an toàn. Các đơn vị cũng giúp di dời hơn 100.000 hộ dân; gia cố, tu sửa hơn 55.000 nhà dân, cơ quan, trường học và hơn 1.200 km đường,... giúp nhân dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Điều đó tiếp tục khẳng định bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thời gian tới, dự báo thiên tai, sự cố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều hiện tượng cực đoan, trái quy luật, trực tiếp đe dọa đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đời sống nhân dân. Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân nói chung, Quân đội nhân dân nói riêng là vấn đề then chốt, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Trước hết, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần làm tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và toàn dân đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra nhiều hay ít không chỉ phụ thuộc vào cường độ, tính chất của vụ việc mà còn do hệ lụy từ chính sự chủ quan, coi nhẹ của con người. Thậm chí ở nhiều nơi, cấp độ thiên tai không lớn, nhưng do hạn chế về nhận thức, nên thiệt hại không đáng có vẫn xảy ra. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng trực tiếp tham gia công tác này, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, sự cố. Trong đó, tập trung làm rõ những nội dung cơ bản của Luật phòng, chống thiên tai; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI), Nghị quyết 689/NQ-QUTW, ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương, Chỉ thị 77/CT-BQP, ngày 11-3-2016 của Bộ Quốc phòng về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020, v.v. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Qua đó, xây dựng cho bộ đội quyết tâm, trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Để công tác này đi vào chiều sâu, sức lan tỏa lớn, cùng với tích cực đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn đóng quân, tăng cường tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ tính chất phức tạp cùng những tác hại, sự tàn phá nặng nề do thiên tai gây ra; từ đó, nêu cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Đi liền với công tác giáo dục, căn cứ vào tình hình cụ thể, cấp ủy các cấp coi trọng việc kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên từng khu vực, địa bàn và cả nước. Trong đó, cần coi trọng kiện toàn ban phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các cấp, đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng tốt, nhất là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành xử lý các tình huống xảy ra. Đồng thời, có kế hoạch xây dựng, củng cố lực lượng chuyên trách ở từng cấp, trên từng khu vực, lĩnh vực theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, nhất là đối với các lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở trong nước, vừa tham gia các hoạt động cứu trợ thảm họa ở nước ngoài trong khuôn khổ hợp tác quốc tế. Đối với các đơn vị kiêm nhiệm, cần căn cứ vào đặc điểm, tình hình thiên tai, sự cố trên từng khu vực, địa bàn để tổ chức cho phù hợp, bảo đảm vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; xây dựng kế hoạch, kịch bản và phương án xử lý; biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các lực lượng cả trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.
Trên cơ sở ổn định tổ chức biên chế, các cơ quan, đơn vị tập trung đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện về phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và xác định đây là động lực để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Để làm được điều đó, trong huấn luyện, các cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, hướng tới sự chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao. Nội dung huấn luyện, tập trung vào công tác chỉ huy, điều hành, phối hợp hiệp đồng và khả năng cơ động của các lực lượng, phương tiện. Trong đó, huấn luyện thực hành phải sát phương án, đối tượng và địa bàn, nhất là những phương án ứng phó với sự cố, thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, như: siêu bão, mưa lũ lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần, v.v. Đặc biệt, đối với lực lượng chuyên trách, thời gian tới cần tập trung tổ chức đào tạo các khóa nghiệp vụ chuyên ngành, như: điều khiển phương tiện thủy nội địa; tìm kiếm, cứu nạn đường không, đường biển; kỹ năng ứng cứu sập, đổ công trình; quy trình ứng phó sự cố chất phóng xạ, sinh học, hóa chất; nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy,... bảo đảm cho lực lượng này có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trên cơ sở huấn luyện một cách cơ bản, các đơn vị tiến hành hợp luyện, diễn tập với cấu kết phương án, tình huống sát thực tế; chú trọng các sự cố, thiên tai đặc biệt nghiêm trọng; kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, hạn chế cả trong chỉ huy, điều hành và hành động cụ thể.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, địa phương trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đây là công việc phức tạp, có nhiều lực lượng, thành phần cùng tham gia. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần chủ động phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn nơi đóng quân tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là những nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai, sự cố và thực lực của địa phương. Từ đó, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị tốt kế hoạch, chương trình thực hiện về công tác này; chú trọng phương án, huy động lực lượng, trưng dụng phương tiện của cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn vào công tác ứng phó sự cố, thiên tai. Tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế tổ chức, điều hành khi có sự cố, thiên tai xảy ra, bảo đảm phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng, thông suốt trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch, điều chỉnh, bố trí dân cư, thay đổi canh tác, sản xuất, thích nghi với điều kiện khí tượng, thủy văn của địa phương; xây dựng phương án bảo vệ an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện,... góp phần quan trọng cùng địa phương tiến hành tốt nhất công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong địa bàn.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực này, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cho từng lực lượng và toàn quân. Trước hết, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Nghị định về Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn, triển khai thực hiện Công ước SAR 79 (Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải 1979) giai đoạn 2 (2017 - 2020), v.v. Trên cơ sở đó, tăng cường hợp tác với các nước đối tác theo Nghị định cả về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn1. Chú trọng hợp tác trong đào tạo cán bộ; chia sẻ thông tin; trao đổi kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm chỉ huy điều hành, kỹ năng vận hành, sử dụng, bảo quản các loại phương tiện hiện đại,... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của Quân đội trong tình hình mới.
Thiếu tướng NGÔ QUÝ ĐỨC, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn ____________
1 - Năm 2018 sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị định thư về hợp tác cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới trên bộ với Cam-pu-chia; ta sẽ phối hợp với Bộ quốc phòng Bạn tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn 01 tỉnh có chung biên giới trên đất liền, sau khi thống nhất.
Quân đội,chống thiên tai,tìm kiếm cứu hộ,cứu nạn
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 13/08/2024
Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 08/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới 29/07/2024
Tỉnh Hòa Bình tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 29/07/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội 25/07/2024
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 18/07/2024
Quân khu 7 xây dựng thế trận quân sự vững mạnh trên hướng biển 11/07/2024
Ngành Điều tra hình sự Quân đội nâng cao chất lượng phòng, chống vi phạm, tội phạm trong tình hình mới 27/06/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo