Thứ Tư, 27/11/2024, 11:15 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới (TTBG) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được Chính phủ giao cho quân đội tổ chức thực hiện. Công trình trọng điểm này có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Trong giai đoạn 2006-2010, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) và các đơn vị thi công đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, BQLDA đang hoàn chỉnh Kế hoạch xây dựng đường TTBG giai đoạn 2011 – 2015 và đẩy mạnh hoàn thành công trình để bàn giao cho địa phương.
Đảng ủy Ban Quản lý Dự án nhiệm kỳ 2010-2015
Dự án xây dựng đường TTBG được triển khai thực hiện theo Quyết định số 313/QĐ-TTg, ngày 14-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Đề án Quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”. Theo đó, hệ thống đường TTBG được triển khai dọc tuyến biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, có tổng chiều dài 14.251 km; trong đó, Dự án thực hiện nâng cấp, mở mới 10.196 km với gần 8.000 km đường ô tô. Trên cơ sở Quyết định số 313/QĐ-TTg và kết quả khảo sát thực tế, trong giai đoạn 2006-2010, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo triển khai 53 dự án thành phần (có 21 dự án chuyển tiếp), tổng chiều dài 2.050 km, với tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc triển khai 13 dự án thành phần (428 km); tuyến Việt Nam - Lào có 26 dự án (997 km) và tuyến Việt Nam - Cam-pu-chia có 13 dự án (536 km). Cùng với đó, Dự án còn triển khai đường vào các đồn biên phòng với 10 phân đoạn, trên địa bàn 9 tỉnh, với chiều dài 189 km.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, BQLDA đã chuẩn bị chu đáo, triển khai toàn diện nhiệm vụ, từ việc quy hoạch tổng thể, khảo sát, thiết kế, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đến tổ chức lực lượng thi công công trình... Đến nay, nhiệm vụ xây dựng đường TTBG giai đoạn 2006-2010 đã cơ bản hoàn thành đúng Đề án và kế hoạch. Các đơn vị thi công đã thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định, hướng dẫn. Các tuyến đường đã nghiệm thu đều bảo đảm chất lượng theo quy định ở cả 5 nội dung: tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý là, ở những khu vực tuyến đường đã hoàn thành, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào vùng biên giới được cải thiện rõ rệt, nhân dân phấn khởi, yên tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Tuyến đường đã góp phần tạo thế trận mới, tăng cường khả năng phòng thủ trên từng khu vực trên hướng biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Có thể khẳng định, những kết quả của Đề án giai đoạn 2006-2010 đã thể hiện rõ tính hiệu quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường quốc phòng-an ninh với phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn biên giới, biểu hiện sinh động, cụ thể đường lối của Đảng về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng trong tình hình mới.
Giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ xây dựng đường TTBG còn tiếp tục triển khai với khối lượng công trình rất lớn. Theo kế hoạch, BQLDA sẽ tổ chức lực lượng thi công xây dựng đường TTBG trên địa bàn 17 tỉnh, với 18 dự án thành phần, có tổng chiều dài 1.200km (mở mới 876km và nâng cấp 324km); có 3 tỉnh (Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum) sẽ hoàn thành đường TTBG vào năm 2012. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, BQLDA và các đơn vị thi công đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, tập trung trước hết vào việc đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án, nhất là các văn bản quy định về tiêu chuẩn quản lý chất lượng công trình. Trong giai đoạn 2006-2010, BQLDA đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng xây dựng nhiều văn bản pháp lý trình Bộ Quốc phòng và Chính phủ phê duyệt, nhất là những văn bản liên quan đến triển khai thực hiện Dự án; đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, thanh toán, quyết toán, bảo đảm an toàn lao động... Tuy nhiên, trước sự phát triển của thực tiễn, thời gian tới, BQLDA sẽ phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng tiếp tục biên soạn, bổ sung các quy định, hướng dẫn, tập trung vào tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật thi công nền đường, cầu, cống, mặt đường bê tông, tiêu chuẩn nghiệm thu, hướng dẫn công tác nghiệm thu, tạm ứng, quyết toán và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở những khu vực mới, bảo đảm đúng trình tự quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Ngân sách,… Cùng với đó, BQLDA còn phải tiếp tục thực hiện tốt việc lập kế hoạch đấu thầu, chỉ định thầu, hồ sơ mời dự thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu, trình Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt theo quy định của pháp luật; chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tạo điều kiện cho các nhà thầu trong việc thanh toán cấp ứng vốn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp trên thực hiện tốt việc thẩm tra, thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán công trình, bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong giai đoạn 2006-2010, BQLDA chú trọng phối hợp với các đơn vị đã ký kết hợp đồng rà phá bom mìn, vật nổ giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh, đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn; phối hợp với các địa phương liên quan, hoàn chỉnh các thủ tục về giao, nhận đất, chuẩn bị mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công; đồng thời, thực hiện tốt việc điều hành các nhà thầu thực hiện các dự án thành phần và giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình theo hợp đồng đã ký kết.
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Dự án kiểm tra thi công đường tuần tra biên giới khu vực Lạng Sơn
Trên cơ sở quy trình, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật đã ban hành thống nhất, các cơ quan chức năng của BQLDA còn phải duy trì chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát đối với từng hạng mục công trình, từ khâu khảo sát thiết kế, giám sát thi công, bảo hiểm công trình đến tổ chức thi công…; kiểm tra cả về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Thông qua đó, thấy rõ những mặt mạnh để phát huy, nhân tố tích cực, cách làm hay để nhân rộng; đồng thời, chỉ rõ những hạn chế, sai sót, khuyết điểm để đơn vị thi công sửa chữa, khắc phục kịp thời, nhất là những vấn đề liên quan đến chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình và thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí...
Một vấn đề quan trọng nữa là, cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lực lượng thi công hợp lý; đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hoá trang bị, phương tiện thi công. Dự án đường TTBG có cơ chế đặc thù, sử dụng lực lượng thi công chủ yếu là các đơn vị công binh và các doanh nghiệp xây lắp trong quân đội theo hình thức chỉ định thầu (chỉ sử dụng các doanh nghiệp ngoài quân đội tham gia khi cần thiết, chủ yếu thi công các cầu lớn). Do đó, công tác quản lý, điều hành Dự án có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai tổ chức thực hiện dự án cũng gặp không ít khó khăn, do địa hình phức tạp, địa bàn triển khai rộng, lực lượng tham gia đông… Vì vậy, trên cơ sở quy định của Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng tham gia xây dựng đường TTBG và khối lượng các công trình, BQLDA và các đơn vị tham gia cần nghiên cứu, tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý đối với từng hạng mục công trình, từng tuyến đường; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng trong biên chế với lực lượng hợp đồng; chú trọng tuyển chọn lao động phổ thông là người tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Đồng thời, BQLDA phải chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc Luật Lao động, quan tâm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, của bộ đội và công nhân lao động trên công trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công trình. Trên cơ sở các quy định, BQLDA còn phải tiếp tục thực hiện tốt việc giới thiệu các trang bị hiện đại, phù hợp với điều kiện địa hình thi công, tổ chức trình diễn cho các đơn vị tham quan; qua đó, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp mua sắm, đổi mới, hiện đại hóa trang bị thi công, bảo đảm đúng chủng loại theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao; trước hết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình xây dựng đường TTBG. Cùng với đó, các đơn vị thi công còn phải tận dụng, phát huy năng lực của các loại phương tiện, trang bị hiện có; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao tiến độ thi công và chất lượng công trình, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị: “Công trình tốt, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả”.
Thiếu tướng HOÀNG KIỀN
Giám đốc Ban quản lý Dự án 47
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đoàn 12 “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại 25/11/2024
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đoàn 12 “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại