Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:18 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Bảo vệ Tổ quốc
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, tỉnh Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo, tăng cường quốc phòng và an ninh của khu vực và cả nước. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nghị định của Chính phủ, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã tích cực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và đạt được những thành tựu quan trọng.
Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Chương trình hành động 15-CTr/TU, ngày 29-6-2007 thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Ủy ban nhân dân Tỉnh có Quyết định 1488/QĐ-UBND, về Kế hoạch thực hiện Chương trình 15-CTr/TU của Tỉnh ủy. Trong đó, đề ra những định hướng phát triển chiến lược biển của Tỉnh đến năm 20201 và những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn. Về kinh tế, đẩy mạnh thực hiện 04 trụ cột phát triển kinh tế biển, đảo: xây dựng, phát triển khu kinh tế Dung Quất và các đô thị ven biển; phát triển mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến sản phẩm từ biển; khai thác tài nguyên biển; vận tải biển, dịch vụ biển, cảng biển; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo phát triển mạnh về kinh tế du lịch và thủy sản. Về quốc phòng và an ninh, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ biển, đảo vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, nhất là lực lượng thường trực và dân quân tự vệ biển, vững mạnh toàn diện làm nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó, Tỉnh đã chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về nội dung, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kết hợp giữa phát triển kinh tế biển, đảo với bảo vệ chủ quyền quốc gia cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Thông qua đó, làm cho các tổ chức, cá nhân nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; đặc điểm, vị trí, vai trò của biển, đảo và mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của cấp ủy, chính quyền về phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong quá trình thực hiện, các cấp đã bám sát cơ sở, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng; kết hợp, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, các phương tiện thông tin, truyền thông ở Trung ương, địa phương, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở,... để tuyên truyền, giáo dục. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được thực hiện tốt; Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh của Tỉnh được củng cố và phát huy. Ngoài việc cử cán bộ đi dự các lớp do trên tổ chức, Tỉnh còn mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo phân cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh trong học sinh, sinh viên và nhân dân, v.v. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Quảng Ngãi mở chuyên mục, chuyên trang về quốc phòng - an ninh; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thông tin thời sự, nói chuyện chuyên đề và mời các chuyên gia, nhà khoa học,... tuyên truyền về vai trò, vị trí của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự kết hợp phát triển kinh tế biển, đảo với bảo vệ chủ quyền quốc gia cho cán bộ, đảng viên. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Ngãi nhận thức rõ, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, chiến lược nhất quán của Đảng, Nhà nước nói chung, của cấp ủy, chính quyền Quảng Ngãi nói riêng. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện mục tiêu “An dân, nắm dân, giành dân và giữ dân”, tăng cường “thế trận lòng dân”, nêu cao ý chí quyết tâm bám biển, làm giàu từ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cùng với đó, Tỉnh tích cực phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, đồng thời có chính sách thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, tạo thế đan xen về thế trận kinh tế - quốc phòng để phát triển kinh tế biển. Theo đó, Tỉnh đặt trọng tâm là phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với biển, cảng biển nước sâu và du lịch biển, đảo. Với chủ trương đúng, giải pháp đồng bộ, phù hợp, đến tháng 12 - 2015, chỉ tính riêng khu kinh tế Dung Quất đã có 129 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD; trong đó, có 76 dự án trong các lĩnh vực hóa dầu, cơ khí, may mặc, chế biến gỗ, dịch vụ cảng, vận tải, sửa chữa tàu biển đi vào sản xuất, kinh doanh, với tổng giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại dịch vụ ước đạt 90 ngàn tỷ đồng. Cùng với xây dựng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, Tỉnh đã tập trung xây dựng các đô thị ven biển, như: thành phố Quảng Ngãi, đô thị Đức Phổ, đô thị Vạn Tường, huyện đảo Lý Sơn và đạt nhiều kết quả tích cực. Các khu, điểm du lịch: Thiên Đàng, Mỹ Khê, Sa Huỳnh và các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá ven biển,... đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn khai thác ở vùng biển xa,... được Tỉnh chú trọng2.
Những năm gần đây, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp3, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa, thực sự là cột mốc chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Có được kết quả trên là do Quảng Ngãi không đơn thuần chỉ chăm lo phát triển kinh tế biển, đảo mà còn gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển. Trong đó, Tỉnh tập trung xây dựng nền quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân và lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, tình hình của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp từ Tỉnh đến cơ sở đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Theo đó, Tỉnh ủy đã tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phát huy vai trò tham mưu, đề xuất của cơ quan quân sự các cấp giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Từ năm 2010 - 2015, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tham gia thẩm định 60 dự án kinh tế - quốc phòng, từng bước hoàn thiện thế trận phòng thủ biển, đảo; tham mưu, chủ trì phối hợp, tổ chức xây dựng, củng cố Sở Chỉ huy, thế trận quân sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế biển, đảo; xây dựng hệ thống công sự lâu bền các loại, đạt 100% kế hoạch, v.v. Đặc biệt, các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên đảo Lý Sơn được đầu tư xây dựng khá kiên cố; việc tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp Tỉnh, huyện (thành phố) và diễn tập trị an cấp xã (phường, thị trấn) được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới cả về nội dung, hình thức, sát thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, đạt 100% kế hoạch, chất lượng được nâng lên. Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị Quân đội, Công an và Biên phòng thực hiện nghiêm các chế độ, nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật; tổ chức tốt công tác tuần tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng phối hợp theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến, phối hợp tác chiến trong khu vực phòng thủ, sẵn sàng xử trí tốt các tình huống.
Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, hoạt động hiệu quả. Trong đó, dân quân thường trực ở các xã trọng điểm về quốc phòng - an ninh và dân quân biển (hoạt động trên 03 tuyến: bờ, lộng, khơi) được chú trọng xây dựng, đảm bảo về số lượng, chất lượng chính trị, đạt 1,5% dân số, tỷ lệ đảng viên chiếm 22,44%. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng khá toàn diện. Lực lượng dự bị động viên được chú trọng xây dựng vững mạnh toàn diện ; việc đăng ký, quản lý, phúc tra, tổ chức biên chế quân nhân dự bị được tiến hành chặt chẽ; sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên đạt 94%; tỷ lệ đảng viên đạt 8,41%. Công tác huấn luyện, tổ chức hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên được tiến hành chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Những kết quả trên đã góp phần làm cho tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn Tỉnh ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân 7,2%/năm; quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo được giữ vững; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực ra khơi, bám biển, lao động sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Để việc phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Tỉnh xác định: về kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng khu kinh tế Dung Quất và phát triển cảng nước sâu Dung Quất, hình thành Trung tâm năng lượng quốc gia tại Dung Quất; phối hợp với tỉnh Quảng Nam thu hút đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế; xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo du lịch mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng và an ninh. Điều chỉnh kế hoạch, giải pháp thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam phù hợp với tình hình mới, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và các huyện ven biển, đảo đóng góp trên 75% tổng sản phẩm của Tỉnh, thu nhập bình quân đầu người cao gấp đôi bình quân của cả Tỉnh, v.v. Tăng cường đầu tư xây dựng hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông và đường cao tốc ven biển để phục vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường quốc phòng - an ninh; có chính sách hỗ trợ để phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn, nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển và chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản thủy sản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, chế biến các sản phẩm từ biển, thúc đẩy hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Về quân sự, quốc phòng, đẩy mạnh nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương, tăng cường đầu tư phương tiện kỹ thuật cho các lực lượng đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
LÊ VIẾT CHỮ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
_________________
1 - Định hướng Chiến lược biển đến năm 2020 của Quảng Ngãi, gồm: Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược quốc phòng - an ninh, đối ngoại; định hướng bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai; định hướng phát triển vùng ven biển, đảo; định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng.
2 - Đến tháng 12 - 2015, toàn Tỉnh có 5.480 chiếc tàu với tổng công suất 934.000 CV (trong đó có hơn 1.870 tàu có công suất từ 90 CV trở lên); 03 khu để tàu, thuyền neo đậu tránh, trú bão, 03 công trình nuôi trồng thủy sản, 16 nhà máy chế biến thủy sản, 24 cơ sở đóng, sửa chữa tàu, thuyền. Ngoài ra, Tỉnh còn thành lập, kiện toàn 10 nghiệp đoàn nghề cá với 6.000 đoàn viên và 307 tổ (đội) ngư dân đoàn kết hoạt động sản xuất trên biển. Năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 167.540 tấn, giải quyết việc làm cho hơn 4 vạn lao động trực tiếp trên biển; diện tích nuôi trồng thủy sản gần 1.300 ha, sản lượng đạt 5.850 tấn, v.v.
3 - Từ tháng 5-2014 đến hết tháng 12-2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản.
tỉnh Quảng Ngãi,kinh tế biển đảo,chủ quyền quốc gia
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng 14/11/2024
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật 07/11/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn 13/10/2024
Nhà hát Chèo Quân đội phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa 01/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới 26/09/2024
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 23/09/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo và hết)* 12/09/2024
Trường Sĩ quan Lục quân 2 đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo 28/08/2024
Nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu phát triển trong tình hình mới (Tiếp theo) 15/08/2024
Sư đoàn 302 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật
Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng