QPTD -Thứ Bảy, 27/12/2014, 07:36 (GMT+7)
Phát huy vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Tiếp theo và hết*

Ngư dân miền Trung mặc áo in dòng chữ "Biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa
là của đất nước Việt Nam" (Ảnh: vov.vn)

III

Biến quyết tâm thành hiện thực

Ngư dân Việt Nam luôn có quyết tâm bám biển, vươn khơi làm chủ ngư trường truyền thống. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát huy vai trò của ngư dân trong khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Điều đó, cũng được các cấp, các ngành, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhưng quyết tâm bám biển, vươn khơi của ngư dân vẫn còn một số khó khăn, bất cập; để biến quyết tâm ấy thành hiện thực, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân đối với việc khai thác hải sản phải gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển là bảo vệ không gian sinh tồn cho con cháu muôn đời sau. Tư tưởng, quan điểm đó cần được thấm sâu và biến thành hành động của mọi địa phương, mọi cấp, ngành, lực lượng và toàn dân. Các địa phương, nhất là các địa phương ven biển và lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, như: Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và lực lượng Hải quân cần tận dụng điều kiện thuận lợi về thường xuyên tiếp xúc với ngư dân trong hoạt động, công tác để đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho ngư dân trong việc kết hợp khai thác hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, sát thực tiễn và không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp cho phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng. Trong đó, chú trọng tuyên truyền miệng đối với từng tàu thuyền; tuyên truyền bằng tờ gấp, tờ rơi, hệ thống loa,… ngay trước mỗi chuyến ngư dân ra khơi và cả khi ngư dân đang khai thác hải sản ở các vùng biển khơi của Tổ quốc. Việc chỉ đạo tuyên truyền, cần phải thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, lực lượng và các địa phương.

Trong quá trình tuyên truyền, các cấp, ngành, lực lượng nhất là các địa phương ven biển, cần làm cho ngư dân nhận thức rõ tính chất phức tạp của tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay; các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, v.v. Đồng thời, làm cho ngư dân nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các chính sánh ưu đãi của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương đối với ngư dân, cùng sự thông cảm, sẻ chia của đồng bào cả nước trước những khó khăn, gian khổ, hy sinh của ngư dân. Từ đó, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt của ngư dân khi được huy động cùng các lực lượng chức năng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chấp hành nghiêm luật pháp Việt Nam, quốc tế khi hoạt động trên biển.

Vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là phải có hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả. Những năm qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã đạt kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại1. Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao, do đó để phát huy vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, cũng như các cấp, ngành, địa phương cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, cần giải quyết cả ba vấn đề: ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường, nhất là các vấn đề búc xúc về: vốn, phương tiện sản xuất, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm, các chính sách an sinh xã hội, v.v. Giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ là cơ sở cho mục tiêu phát triển nghề cá theo hướng bền vững; lấy hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân, làm cho nghề khai thác hải sản trở thành ngành mũi nhọn, đồng thời là nguồn động lực để ngư dân bám biển, vươn khơi.

Nhận thức rõ điều đó, ngày 07-7-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản. Theo đó, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư; thời hạn vay tới 11 năm; lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 01%/năm và cao nhất là 03%/năm. Khi đóng mới tàu2 dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, đối với tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn Ngân hàng Thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư, với lãi suất 07%/năm; trong đó, chủ tàu trả 01%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 06%/năm; đóng tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư, với lãi suất 07%/năm, trong đó chủ tàu trả 03%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 04%/năm và nhiều ưu đãi khác. Vì thế, Nghị định 67 của Chính phủ được coi là phù hợp nhất, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đánh bắt hải sản hiện nay. Nó như luồng sinh khí mới thúc đẩy, tạo điều kiện cho ngư dân thực hiện quyết tâm làm chủ ngư trường truyền thống, tăng năng suất, chất lượng khai thác, tự tin khi đối phó với các tình huống phức tạp trên biển. Để đưa Nghị định 67 của Chính phủ vào cuộc sống, đã có 10 Quyết định và 08 Thông tư hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được ban hành. Tuy nhiên, đến nay việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính của vướng mắc này là do ở các địa phương, cơ sở, số lượng ngư dân cần vay nhiều, nhưng lại không nắm được các điều kiện, thủ tục, trong khi cán bộ thẩm định thiếu, năng lực hạn chế nên hầu như chưa có địa phương hoàn thành việc phê duyệt danh sách ngư dân được vay vốn. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố toàn bộ mẫu tàu vỏ thép (đầu tháng 11-2014), nhưng các văn bản đó vẫn chưa kịp đến các địa phương, nên đó cũng là một khó khăn trong việc vay vốn. Vì vậy, thiết nghĩ các bộ, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện, tỉnh, các hội, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần đề cao hơn nữa trách nhiệm, chủ động đến với ngư dân, tăng cường trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, giải thích để ngư dân nắm được nội dung, điều kiện vay vốn, tạo sự đồng thuận, khơi thông ngay từ cơ sở. Lực lượng vũ trang tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn ngư dân đủ điều kiện được vay vốn theo Nghị định 67, để đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ. Cùng với đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đủ điều kiện vay vốn hoàn thiện các thủ tục để tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Có như vậy, Nghị định 67 mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, đảm bảo cho ngư dân có đủ điều kiện vươn khơi, đánh bắt xa bờ.

Về lâu dài, Nhà nước cần có giải pháp mang tính tổng hợp thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong, ngoài nước, tạo môi trường pháp lý trong việc phối kết hợp giữa ngân hàng và các cơ sở chế biến hải sản để các cơ sở đó trở thành một trong những tổ chức tín chấp giúp ngư dân tiếp cận vay vốn ngân hàng, nhằm ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất cho ngư dân. Để tăng cường các nguồn lực khác, các địa phương ven biển cần khôi phục và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các hội nghề biển (Hội vạn, Hội tương thân tương ái). Đây là nơi ngư dân thực hiện các giao tiếp xã hội của mình, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đồng nghiệp trong lúc khó khăn, hướng hoạt động sản xuất vào quỹ đạo khai thác hợp lý nguồn lợi, tài nguyên môi trường biển. Cùng với đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách bảo vệ ngư dân khi bị tàu nước ngoài tấn công, bắt giữ; chính sách bảo hiểm phương tiện và thân thể của chủ tàu và thuyền viên để ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi.

Một trong những biện pháp quan trọng để biến quyết tâm bám biển, vươn khơi của ngư dân thành hiện thực là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề, đảm bảo thu nhập cho ngư dân. Các bộ, ngành, địa phương ven biển cần quan tâm mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên sử dụng thành thạo các phương tiện, kỹ thuật hàng hải, nhất là công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, trang bị cho ngư dân cách phòng, chống thiên tai, phòng, tránh va chạm với tàu nước ngoài; kỹ thuật sơ cứu ban đầu khi thuyền viên xảy ra thương tật, ốm đau; nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học, cán bộ quản lý trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Lực lượng vũ trang với cơ sở đào tạo có sẵn của mình cũng có thể tham gia đào tạo cho ngư dân về thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên sử dụng phương tiện, kỹ thuật hàng hải. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đối với con em ngư dân vào các trường đào tạo ngành nghề thủy, hải sản chính quy, như: đại học, cao đẳng, trung cấp; khuyến khích các cơ sở chế biến và cung ứng dịch vụ thủy, hải sản dành một số chỉ tiêu nhất định nhận con em ngư dân vào học nghề và làm việc; xây dựng và nhân rộng mô hình đào tạo nghề tại cộng đồng, khuyến khích những ngư dân có kinh nghiệm tham gia đào tạo, truyền nghề cho ngư dân, lao động trẻ. Có như vậy mới đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống tạo động lực để ngư dân bám biển, vươn khơi, bảo vệ ngư trường truyền thống của mình.

Vấn đề được coi là khâu đột phá hiện nay là tổ chức lại sản xuất của ngư dân, khắc phục tình trạng khai thác nhỏ lẻ không có điều kiện tương trợ, giúp đỡ nhau hiện nay. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm của việc thành lập các tổ, đội, nhóm, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất có hiệu quả ở các địa phương để phổ biến, tuyên truyền, áp dụng, phát hiện, nghiên cứu hoàn thiện và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất trên biển. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nghề cá, các hiệp hội nghề cá khai thác hải sản gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo ở từng địa phương. Việc làm này đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng trong đó có lực lượng vũ trang tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân thành lập các tổ đội sản xuất, các nghiệp đoàn nghề cá tạo sức mạnh bám biển, vươn khơi, bám ngư trường truyền thống ngay cả trước sự đe dọa, tấn công của tàu nước ngoài.

Đối với việc khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng cần tăng cường quản lý, điều tra, đánh giá lại nguồn lợi hải sản, xác định các ngư trường, khu vực tập trung tàu thuyền, thực trạng năng lực khai thác hải sản của địa phương hoặc khu vực liên tỉnh. Từ đó, xây dựng bản đồ phân bố ngư trường, nghề, loài hải sản khai thác ở các địa phương; thực hiện phân quyền quản lý, tổ chức khai thác phù hợp với điều kiện nguồn lợi hải sản của từng địa phương và các quy định của trên. Đối với những tàu cá đang sử dụng các phương tiện cấm khai thác hoặc các phương tiện khai thác không thân thiện với môi trường, khai thác kém hiệu quả, không đảm bảo an toàn khi tham gia sản xuất trên biển, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển sang làm các ngành nghề khác, như: nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, v.v.

Đối với việc khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ, tăng cường đầu tư cho công tác dự báo ngư trường, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tàu thuyền, cơ sở hậu cần nghề cá, phân bổ số lượng tàu khai thác trên từng vùng biển nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương ven biển. Hiện nay, cần nhân rộng mô hình tổ chức khai thác cá ngừ đại dương và một số hải sản khác có giá trị kinh tế theo chuỗi liên kết từ khai thác, bảo quản, dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết ngư dân, nậu vựa, doanh nghiệp chế biến và cơ quan quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước trong khu vực.

Cùng với đó, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực khai thác hải sản; đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản bảo đảm đầu ra cho hoạt động sản xuất của ngư dân được ổn định; thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản, tài nguyên môi trường biển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá theo Quyết định 1349/QĐ-TTg, ngày 09-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quyết định 346/QĐ-TTg, ngày 15-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp các cảng cá ở các trung tâm nghề cá trọng điểm có quy mô lớn cho tàu công suất từ 90 CV đến trên 600 CV, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, như ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Ở các đảo quan trọng, cần nâng cấp các cảng cá, hệ thống cấp nhiên liệu, nước đá, nước ngọt và tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư xây dựng các chợ thủy sản đầu mối quan trọng, góp phần đô thị hóa các vùng nông thôn ven biển, tạo môi trường phát triển nghề cá CNH,HĐH. Tăng cường phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư và lực lượng liên quan khác trong công tác kiểm tra, kiểm soát, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá.

Lịch sử đã chứng minh, ở mọi thời đại, mọi chế độ, bảo đảm “khoan thư sức dân” là cách tốt nhất để quy tụ lòng người - cơ sở, nền tảng để xây dựng “thế trận lòng dân”. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các cấp, các ngành thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ngư dân. Đó là vấn đề then chốt trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Bởi vì, “bờ có vững thì ngư dân mới yên tâm bám biển, vươn khơi”, sau lưng ngư dân là cả nước đồng lòng, chung sức. Các ngành, các tổ chức có chương trình hành động, việc làm thiết thực, như: “Tủ thuốc ngư dân”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Nghĩa tình Hoàng sa, Trường sa”, “Góp đá xây dựng Trường sa”,... cần được nhân rộng, để có nhiều chương trình như thế trong thời gian tới. Lực lượng vũ trang, nhất là Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ đội Hải quân và các đơn vị quân đội khác đóng quân ở vùng ven biển có điều kiện giúp đỡ ngư dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các làng, xã mà nhân dân sống bằng ngư nghiệp là chủ yếu, cần tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương này. Qua đó, hỗ trợ ngư dân cả về vật chất và tinh thần, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Các địa phương ven biển, quan tâm hơn nữa đến công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí; hỗ trợ ngư dân về đất ở, nhà ở, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi nghề đối với ngư dân không còn điều kiện ra khơi, v.v. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới tại các khu dân cư, làng chài ven biển, xóa bỏ những hủ tục, nâng cao đời sống của ngư dân một cách toàn diện.

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Trong đó, cần phát huy vai trò của ngư dân.

HỒNG LÂM - VĂN BẢY - HOÀNG TRƯỜNG
__________________

* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 10, 11-2014.

1 - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 11-2014, phần II của bài viết này, tr. 48 - 50.

2 - Có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.