QPTD -Thứ Năm, 17/09/2015, 07:47 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển của Bộ đội Hải quân

Với chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam còn là lực lượng xung kích, chủ lực trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hiện nay, tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố nói chung, trên biển nói riêng tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp; do đó nâng cao hiệu quả công tác này của Bộ đội Hải quân là nội dung cấp thiết.

Việt Nam nằm trong vùng xích đạo và dải nhiệt đới phía Tây Thái Bình Dương - khu vực trọng điểm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu; có nhiều tuyến hàng hải quốc tế đi qua; lại đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nên tình hình thiên tai, tai nạn, sự cố ở vùng biển xảy ra với tần suất cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng năm 2014, trong số hơn 4.100 vụ tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn cả nước thì đã có gần 1.000 vụ xảy ra trên biển và khu vực ven biển, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Điều đáng nói là, tai nạn, sự cố trên biển không chỉ gia tăng về số vụ, quy mô mà còn phức tạp về tính chất, diễn biến khó lường, nhất là sự cố về hóa chất, tràn dầu có thể hủy hoại môi trường trên phạm vi rộng, v.v. Vì thế, nâng cao hiệu quả tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nói chung, trên biển nói riêng, nhằm giảm thiểu thiệt hại là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trong đó, Bộ đội Hải quân là lực lượng xung kích, chủ lực.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, mặc dù khó khăn về lực lượng và phương tiện, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải quân đã nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả quan trọng. Nét nổi bật là, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều nhận rõ trách nhiệm, không quản ngại hy sinh, gian khổ và xác định đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Công tác xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và huấn luyện, diễn tập được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, có nền nếp. Việc phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng và địa phương trong cứu hộ, cứu nạn trên biển được tổ chức chặt chẽ, tuân thủ đúng quy chế, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, chỉ huy các cấp cùng hệ thống cơ sở vật chất cứu hộ, cứu nạn từng bước được tăng cường, tạo nền tảng vững chắc cho các đơn vị nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển, nhất là ở vùng biển xa. Trong 5 năm qua, Quân chủng đã huy động gần 250 lượt tàu hải quân, hàng chục chuyến bay biển, với 12.620 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, cứu được 232 tàu thuyền bị nạn, cứu sống được 2.240 người (trong đó có hàng chục người nước ngoài); thông báo, kêu gọi được 2.300 tàu cá và tổ chức di dời 3.124 người từ nơi nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn. Ngoài ra, Bộ đội Hải quân còn tổ chức tiếp nhận, cung cấp lương thực, nước ngọt, thuốc men và bố trí nơi ăn, nghỉ cho hàng nghìn ngư dân cùng hàng trăm ghe, thuyền gặp nạn trên biển lên các đảo ngoài khơi xa. Đặc biệt, vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, Bộ đội Hải quân đã sử dụng nhiều tàu đa dụng, vượt sóng to, biển động, đưa hàng nghìn khách du lịch (bị mắc kẹt trên các đảo: Cô Tô, Vân Đồn...) về đất liền an toàn. Qua đó, càng thêm khẳng định vai trò chủ lực, xung kích của Bộ đội Hải quân trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao.

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn nước ta, nhất là trên các vùng biển sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, thậm chí trái quy luật; trong khi đó, các hoạt động giao thương và phát triển kinh tế biển ngày càng sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố. Vì vậy, vấn đề cấp thiết là phải nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển của lực lượng Hải quân. Muốn vậy, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển thường diễn ra bất thường, trên phạm vi rộng, trong điều kiện thời tiết phức tạp, xa sự chỉ đạo, chỉ huy của cấp trên và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nên tác động không nhỏ tới tư tưởng của bộ đội. Vì thế, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ là vấn đề quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của Quân chủng. Theo đó, việc giáo dục, tuyên truyền phải làm cho bộ đội nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, của Quân chủng và đơn vị; trong đó có nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; thấy rõ đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, nhiệm vụ chính trị thường xuyên mà Quân chủng phải quyết tâm hoàn thành và hoàn thành tốt. Để công tác này đi vào chiều sâu, thiết thực, các cơ quan, đơn vị cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp giáo dục, tuyên truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng. Trong đó, tập trung làm cho mọi người hiểu rõ nội hàm, tính chất phức tạp, khó lường của các loại thiên tai, sự cố trên biển cùng tác hại to lớn của nó đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và con người. Qua đó, chuẩn bị về tư tưởng, quyết tâm, trách nhiệm và tinh thần khắc phục khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Cùng với đó, các đơn vị cần chú trọng tổ chức quán triệt cho bộ đội nắm vững các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là Pháp lệnh về phòng, chống bão lũ; Chiến lược phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, làm cơ sở để các cấp triển khai thực hiện. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; gắn việc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn với phong trào Thi đua Quyết thắng; làm tốt công tác tổng kết, biểu dương các điển hình tiên tiến ở đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ.

2. Tăng cường công tác huấn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho bộ đội. Đây là khâu đột phá của Quân chủng trong nâng cao hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Thực tiễn cho thấy, khác với trên đất liền, tính chất các sự cố, tai nạn trên biển thường rất phức tạp, không cố định, có thể trôi dạt trên mặt nước hoặc chìm sâu trong lòng biển, v.v. Trong nhiều trường hợp, tuy đã phát hiện vị trí hiện trường, nhưng do kinh nghiệm, kỹ năng và phương tiện có hạn, lại trong điều kiện thời tiết phức tạp, sóng to, gió lớn, nên việc tiếp cận và thực hành cứu hộ, cứu nạn trên biển đạt hiệu quả chưa cao. Thời gian tới, trên cơ sở quán triệt Chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng, các đơn vị cần chủ động cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung huấn luyện về cứu hộ, cứu nạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của từng lực lượng. Theo đó, cơ quan quân huấn và Bộ Tư lệnh các vùng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung cứu hộ, cứu nạn vào chương trình huấn luyện cho các đối tượng theo hướng: từ đơn giản đến phức tạp, từ kiến thức cơ bản đến hành động chuyên sâu, cả trên đất liền và trên biển; tập trung huấn luyện ở các tàu và các lực lượng được bố trí trực, thường xuyên làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Trong quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện nâng cao kỹ năng tiếp cận kịp thời mục tiêu bị nạn (trong điều kiện thời tiết phức tạp) với sử dụng thành thạo các trang bị, thiết bị cứu hộ, cứu nạn mới, hiện đại; gắn huấn luyện thường xuyên với luyện tập, diễn tập theo phương án, kế hoạch đã được phê duyệt; từ đó, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên từng vùng biển, đảo. Bên cạnh đó, các đơn vị cần coi trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ các cấp để vận dụng vào thực tiễn, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển xa và khu vực trọng điểm về thiên tai, sự cố, làm nền tảng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và sẵn sàng tham gia cứu trợ thảm họa ở khu vực và quốc tế khi cần thiết.

3. Nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn giữa Bộ đội Hải quân và các lực lượng khác trên từng vùng biển. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân chủng cần chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng, địa phương một cách chặt chẽ, chính xác, khoa học ở tất cả các khâu, từ tiếp nhận thông tin đến tổ chức sử dụng lực lượng, xây dựng phương án và thực hành phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong từng tình huống cụ thể. Đối với tai nạn, sự cố ở vùng biển ven bờ, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và địa phương, cảng vụ (nơi xảy ra sự cố) để nắm tình hình; phối hợp điều động lực lượng, phương tiện và tổ chức hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả cao. Đối với các vụ việc ở vùng biển xa, công tác phối hợp càng phải chặt chẽ giữa lực lượng trên biển, ở các đảo và lực lượng Không quân (nếu có) theo một kế hoạch thống nhất, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Trong quá trình thực hiện, các lực lượng cần tuân thủ quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhất là sự điều hành của chỉ huy hiện trường, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, phát huy tối đa sở trường của từng lực lượng; bám sát phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời huy động các lực lượng, địa phương trong khắc phục sự cố, thiên tai. Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân để nắm tình hình, rà soát, xác định các khu vực, địa bàn trọng yếu về thiên tai, sự cố; từ đó, chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Cùng với đó, cần tăng cường mở rộng hợp tác giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với lực lượng hải quân các nước trong khu vực và quốc tế về cứu hộ, cứu nạn; trong đó, chú trọng hợp tác trên các mặt: huấn luyện, đào tạo cán bộ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là thiết lập kênh thông tin cứu trợ khẩn cấp và kinh nghiệm quản lý phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, sự cố, nhằm không ngừng nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần làm sáng thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - người chiến sĩ Hải quân thời kỳ mới.

Chuẩn Đô đốc PHẠM XUÂN ĐIỆP, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.