QPTD -Thứ Hai, 24/08/2020, 14:40 (GMT+7)
Lý Sơn gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Là một trong những đảo tiền tiêu của Tổ quốc, huyện đảo Lý Sơn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Những năm qua, cùng với việc phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Huyện luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảo Lý Sơn nằm phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, diện tích tự nhiên 10,39 km2, với dân số hơn 22.000 người. Nhận thức đúng yêu cầu gắn phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, Đảng bộ Huyện xác định: đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Nhất quán quan điểm đó, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Những năm qua, kinh tế luôn đạt mức tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phát triển bền vững1; tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ tăng nhanh; trong đó, dịch vụ du lịch có sự phát triển đột phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lượng khách du lịch tăng bình quân trên 14%/năm; tổng doanh thu đến năm 2020 ước đạt trên 430 tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng giá trị các ngành kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển với hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ; chợ Trung tâm được xây dựng mới; dịch vụ homestay được hỗ trợ phát triển; dịch vụ ăn uống, lưu trú, cửa hàng, phương tiện vận tải phát triển phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 16%/năm. Toàn Huyện hiện có 282 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, gồm các ngành nghề, như: gia công đồ gỗ, sản xuất đá lạnh, sửa chữa nhỏ tàu thuyền, cơ khí,... phục vụ cho xây dựng, khai thác hải sản và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Nông nghiệp phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nhưng tăng về giá trị nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình khuyến nông, khuyến ngư. Để tạo sức bật mới cho ngành nông nghiệp, cùng với việc phát huy giá trị đặc sản Tỏi Lý Sơn2, Huyện đang triển khai các nội dung để điều tra đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, khai thác và phát triển bền vững các loại đặc sản khác, như: Cua Dẹp và Nhum Sọ, v.v. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn của Huyện có nhiều khởi sắc. Có được điều đó là nhờ, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quán triệt, thực hiện nghiêm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Kết luận 30 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi (khóa XIX) về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; kịp thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện hiệu quả. Huyện đã bố trí lồng ghép nhiều nguồn vốn, với tổng kinh phí huy động hơn 300 tỷ đồng; đồng thời, phát huy nguồn lực và trí tuệ của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, nông thôn mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, chất lượng đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt; phấn đấu năm 2020, Lý Sơn trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Huấn luyện chiến đấu phòng thủ Đảo

Cùng với đó, Huyện luôn quan tâm tăng cường các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Để đạt được điều đó, nhân tố quan trọng hàng đầu là thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt các cấp và nhân dân, khơi dậy lòng tự hào đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Huyện tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng. Giai đoạn 2009 - 2019, đã tham mưu đề nghị cán bộ thuộc đối tượng 2 và 3 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo đúng quy định; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng 4 là cán bộ, công chức, viên chức, trưởng các ngành, đoàn thể xã, bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong các họ tộc, chức sắc tôn giáo,… đạt 100% chỉ tiêu, kế hoạch. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trường Trung học phổ thông Lý Sơn chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh thông qua nhiều hình thức, đạt kết quả tốt. Cùng với đó, Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân bằng cách làm phong phú, đa dạng gắn với các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa, chính trị, như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; Lễ cầu an, cầu mùa; Lễ hội đua thuyền “Tứ linh”; Lễ ra quân đánh bắt hải sản; Ngày hội Quốc phòng toàn dân,… nhằm giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, khơi dậy niềm tự hào về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, mở các chuyên mục, tin, bài tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và cách làm hay của các cơ quan, đơn vị về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, các gương tốt về bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền biển, đảo, góp phần nâng cao nhận thức về quốc phòng, an ninh, nêu cao trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, đấu tranh khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Huyện tập trung xây dựng các tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân; kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội với quy hoạch và xây dựng công trình phòng thủ, giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh. Huyện xác định, trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng cấp, trong từng giai đoạn phải phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm vừa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, vừa không ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng, an ninh. Quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Huyện đều có sự tham gia của cơ quan quân sự và công an, nên yếu tố bảo đảm quốc phòng và an ninh luôn được tính toán chặt chẽ, phù hợp. Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu của Huyện đều được thẩm định chặt chẽ, bảo đảm tính lưỡng dụng cao, như: Dự án đường cơ động xung quanh đảo kết hợp kè biển chống sạt lở; cảng Bến Đình; dự án cấp nước; vũng neo đậu tàu thuyền; hồ chứa nước Thới Lới, v.v.

Huyện thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội gắn với quy hoạch tổng thể thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Huy động mọi nguồn lực, bảo đảm ngân sách đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo dưỡng các công trình quốc phòng đúng kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ công trình luôn được chú trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Huyện cũng từng bước nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện các công trình chiến đấu, hệ thống đường cơ động, các công trình sinh hoạt và ẩn nấp cho nhân dân, bảo đảm vừa duy trì sản xuất, vừa bám trụ chiến đấu lâu dài, bảo vệ địa bàn theo các phương án. Phát triển năng lực đội tàu, thuyền chuyên chở hành khách, đánh bắt hải sản, vận tải hàng hóa phương tiện trên biển; xây dựng, phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ dân sinh kết hợp với phục vụ quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách địa phương, Huyện đầu tư kinh phí hợp lý cho các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tư tưởng, thông tin, đối ngoại nhân dân, an ninh nông thôn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, Huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện. Quán triệt, thực hiện nghiêm quy định về tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang địa phương, Huyện tập trung xây dựng cơ quan quân sự vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng đội ngũ cán bộ làm then chốt. Công tác tạo nguồn, đăng ký, quản lý huấn luyện và sắp xếp lực lượng dự bị động viên đạt trên 99%, bảo đảm tỉ lệ gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 85%, sẵn sàng động viên khi có tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”. Thường xuyên rà soát, bổ sung đủ số lượng, bảo đảm cân đối giữa lực lượng cơ động, thường trực, lực lượng dân quân biển; chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trên địa bàn được nâng cao. Bộ đội Biên phòng thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; phối hợp với các lực lượng quản lý chặt chẽ nhân lực, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ BT-BM bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Công an Huyện luôn nêu cao tinh thần cương quyết tấn công, trấn áp tội phạm; thực hiện tốt Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với việc duy trì hiệu quả hoạt động của 06 Tổ an ninh nhân dân, 23 Ban vận động ở 23 khu dân cư, 12 Tổ tự quản bến bãi, 02 nghiệp đoàn nghề cá. Đồng thời, phát huy có hiệu quả mô hình “Dân vận khéo”, “Cụm dịch vụ homestays không có tội phạm ẩn náu”; thực hiện ký kết giao ước thi đua giữ gìn an ninh trật tự với các họ tộc, cơ sở tôn giáo và người có uy tín trên địa bàn. Các đơn vị lực lượng vũ trang luôn thực hiện nghiêm, Quy chế phối hợp theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ, góp phần bảo vệ vững chắc khu vực phòng thủ của Huyện trong mọi tình huống.

Thực hiện Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14, ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã, Huyện đã chủ động rà soát, điều chỉnh các phương án, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ Huyện, chuẩn bị đầy đủ và tổ chức luyện tập nghiêm túc các phương án ứng phó bão, phòng, chống, chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, không để bị động. Qua đó, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, trình độ tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ, khả năng phối hợp hiệp đồng, bảo đảm của các cấp, ngành, lực lượng trong xử lý tình huống tác chiến được nâng cao.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường của quê hương Hải đội hùng binh Hoàng Sa; sự năng động, sáng tạo và khát vọng phát triển, quân và dân Lý Sơn tiếp tục phấn đấu xây dựng Huyện mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

NGUYỄN QUỐC VIỆT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện
________________      

1 - Đến năm 2020: Tỷ trọng ngành Thương mại - dịch vụ chiếm trên 50%, Nông nghiệp chiếm trên 40%, Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 8%.

2 - Tháng 7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Bằng công nhận Chỉ dẫn địa lý cho Tỏi Lý Sơn.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.