QPTD -Thứ Năm, 07/11/2019, 15:42 (GMT+7)
Kiên Giang tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ

Quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, nghị định về xây dựng khu vực phòng thủ, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ được xác định trong Đề án xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Kiên Giang từ năm 2011 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Quá trình thực hiện, Tỉnh luôn chú trọng xây dựng toàn diện khu vực phòng thủ, lấy xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần là cốt lõi, tiềm lực kinh tế là động lực để thúc đẩy các tiềm lực khác; tiềm lực quốc phòng, an ninh là trọng yếu; chú trọng xây dựng thế trận quân sự, thực hiện đồng bộ việc quy hoạch bố trí các công trình phòng thủ. Nhờ đó, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng được nâng lên. Kinh tế của Tỉnh luôn phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 1.892 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các tiềm năng, lợi thế trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, du lịch,... được khai thác có hiệu quả. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đi vào nền nếp, chất lượng ngày càng cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng vũ trang được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, thực sự là địa danh tham quan, du lịch hấp dẫn, an toàn, cuốn hút du khách trong và ngoài nước.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế: vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy có mặt chưa sâu, chưa sát với tình hình thực tế; công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng; hệ thống văn kiện của một số cơ quan, ban, ngành chưa kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh; việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với xây dựng khu vực phòng thủ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kinh phí đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu còn hạn hẹp, v.v.

Để khắc phục tình trạng trên, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ Quân khu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng khu vực phòng thủ cho các tổ chức, lực lượng và toàn dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung làm sâu sắc hơn Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình mới", Chương trình hành động 47-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); đồng thời, quán triệt các văn bản mới về quốc phòng, an ninh1, trong đó chú trọng Nghị định 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-02-2019 về khu vực phòng thủ. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi công dân, đặc biệt là lực lượng vũ trang về đối tác, đối tượng; hiểu rõ những luận điệu kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, nhất là tổ chức Khơ-me Crôm đối với đồng bào Khơ-me. Qua đó, để cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Quá trình thực hiện, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm chắc tình hình, đặc điểm địa phương, tâm lý, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào Khơ-me, theo đạo, dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng, Tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục chuyên đề, chủ đề, gắn với các ngày lễ, Tết; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông và thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại nhằm mở rộng và tăng cường quan hệ với đối tác trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư; duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống, xây dựng chương trình hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Cam-pu-chia trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; thường xuyên phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nảy sinh trên tuyến biên giới, tuyến biển.

Hai là, thực hiện tốt phương châm “mỗi bước tăng trưởng kinh tế - xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh”. Trên cơ sở thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, như: xây dựng các tuyến đường, phát triển hệ thống điện, đầu tư các công trình phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng vùng, từng khu vực,... phải bảo đảm tính lưỡng dụng, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời bình, vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thời chiến. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã xác định, Kiên Giang từng bước hoàn thiện hệ thống điện, nước, vệ sinh môi trường, thủy lợi, thông tin liên lạc ở các khu vực: căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình quốc gia về việc làm, nhà ở cho người thu nhập thấp; tích cực kêu gọi đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng kinh tế biển, tập trung vào các ngành chủ yếu, như: sửa chữa và đóng tàu, cảng biển, vận tải biển, chế biến thủy hải sản, nghề cá, du lịch biển, v.v. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần chủ động báo cáo, đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu; xây dựng các đồn, trạm biên phòng; xây dựng hệ thống đường ven đảo phục vụ dân sinh, quốc phòng. Cơ quan Quân sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp mình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, Đề án “Bảo đảm quốc phòng”, kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, kế hoạch huy động vật chất, phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho quốc phòng khi có chiến tranh; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình mới, công trình chuyển tiếp và công trình đã xây dựng được một phần trong Đề án xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trước mắt, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2018 - 2020, như: Trường bắn Núi Nhọn; đường hầm sở chỉ huy phía trước; căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của Tỉnh, huyện; một số công trình phòng thủ trọng điểm trên tuyến biên giới và một số đảo gần bờ; trong đó, chú trọng triển khai xây dựng hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Các ngành: Quân sự, Công an, Biên phòng thực hiện tốt quy chế phối hợp theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP, Nghị định 133/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thường xuyên nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, không để các phần tử xấu lợi dụng, kích động gây phức tạp về an ninh, trật tự. Phấn đấu, trong mỗi nhiệm kỳ, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; các cấp: tỉnh, huyện, xã, đơn vị diễn tập được 01 lần, bảo đảm thiết thực, sát thực tế, tình hình của địa phương. Hằng năm, Ủy ban nhân dân Tỉnh, huyện tổ chức hội nghị riêng hoặc lồng ghép trong hội nghị tổng kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ.

Huấn luyện chiến thuật chiến đấu bộ binh

Ba là, chăm lo xây dựng lực lượng quân sự, biên phòng, công an vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ. Các đơn vị chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức, trách nhiệm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và cấp ủy các cấp trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; duy trì nghiêm chế độ, chất lượng huấn luyện, diễn tập để không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ, khả năng phối hợp hiệp đồng xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh. Trong đó, bộ đội địa phương phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ có 90% trình độ cao đẳng, đại học trở lên (với 3% - 4% sau đại học); tổ chức, biên chế các đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo đảm trên 95% quân số; tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu, có đảng viên nhập ngũ; vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,3%. Lực lượng dân quân tự vệ đạt và vượt chỉ tiêu về quân số; tỉ lệ lãnh đạo từ 18% trở lên, 100% chi bộ quân sự cấp xã có chi ủy, 100% ấp đội trưởng, trung đội trưởng dân quân là đảng viên; 100% cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; 100% đầu mối được huấn luyện, đạt 80% quân số trở lên, kết quả kiểm tra có 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 65% đạt khá, giỏi. Lực lượng dự bị động viên, cả về con người, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân được đăng ký, quản lý, phúc tra thường xuyên, đòi hỏi cơ quan quân sự các cấp luôn nắm chắc số lượng, chất lượng và khả năng huy động. Hằng năm, tổ chức huy động lực lượng này bảo đảm đúng, đủ quân số huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; các đại đội đều có chi bộ, tiểu đoàn có đảng bộ. Lực lượng Bộ đội Biên phòng được xây dựng bảo đảm các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về quân sự, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, nắm chắc pháp luật; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên các khu vực biên giới, biển, đảo; đầu tư trang bị kỹ thuật, xây dựng các công trình chiến đấu, các đồn, trạm Biên phòng vững mạnh toàn diện trong thời bình và tạo các điểm tựa phòng ngự liên hoàn, vững chắc trong thời chiến. Đồng thời, phối hợp với lực lượng liên quan thúc đẩy thực hiện Đề án “Xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”. Lực lượng Công an thực hiện tốt khẩu hiệu hành động “Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết về bảo vệ an ninh, trật tự.

Thực hiện tốt các nội dung trên trong thời gian tới là tiền đề quan trọng để Kiên Giang tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ Quân khu vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá ĐÀM KIẾN THỨC, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

____________

1 - Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Luật Quốc phòng năm 2018, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.