QPTD -Thứ Tư, 20/03/2013, 15:45 (GMT+7)
Huyện Kỳ Anh coi trọng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh

Là huyện miền núi, ven biển, Kỳ Anh có vị trí quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh đối với tỉnh Hà Tĩnh và Quân khu 4. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh là vấn đề luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương coi trọng thực hiện.

Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm một số công trình, dự án trình trọng điểm thuộc Khu kinh tế Vũng Áng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Ảnh: Internet)

Nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh (QP-AN), coi đó là nhiệm vụ quan trọng bảo đảm cho Huyện phát triển toàn diện. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng hằng năm của Huyện không ngừng tăng. Năm 2012, mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng kinh tế của Huyện vẫn đạt 21%, tổng thu ngân sách đạt gần 780 tỷ đồng, bằng 141% kế hoạch. Hiện nay, toàn Huyện có trên 180 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 20 tỷ USD; trong đó, riêng khu kinh tế Vũng Áng có gần 100 dự án đầu tư đã được cấp giấy phép; hàng chục dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn người. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể thao, kế hoạch hóa gia đình, chính sách an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tốt. Đến nay, toàn Huyện có 72,1% làng, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 100% số hộ có phương tiện nghe, nhìn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ đói nghèo (theo chuẩn mới) giảm còn 18%.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, Huyện chú trọng quy hoạch phát triển KT-XH, (nhất là các dự án kinh tế) gắn chặt với quy hoạch thế trận QP-AN; đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng; tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ Huyện về chiều sâu với nhiều công trình lưỡng dụng. Đồng thời, coi trọng việc phát huy tính lưỡng dụng của các ngành, như: dịch vụ cảng biển, khai thác hải sản, bưu chính – viễn thông và giao thông – vận tải… nhằm mục tiêu vừa bảo đảm phục vụ dân sinh, vừa phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, quá trình CNH,HĐH trên địa bàn Huyện diễn ra mạnh mẽ với nhiều dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài, bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN, nhất là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng KT-XH tuy được đầu tư nhưng còn nhiều bất cập; tình hình an ninh nông thôn, thiên tai, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” cùng những hạn chế, sơ hở trong công tác quản lý KT-XH, nhất là việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện các dự án để xuyên tạc, kích động chống phá. Vì vậy, việc thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN cần được nghiên cứu kỹ, sát với đặc điểm, tình hình địa phương và bước đi thích hợp mới đạt được hiệu quả thiết thực.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Huyện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục QP-AN gắn với thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cùng Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 33 của UBND Tỉnh, Chỉ thị 12, Quy định 300 của Ban Thường vụ Huyện ủy nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang (LLVT) và toàn dân trong việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên địa bàn. Theo đó, Huyện triển khai đồng bộ, chặt chẽ công tác giáo dục ở tất cả các cấp với nội dung, hình thức, phương pháp phong phú, phù hợp; trong đó, tập trung làm tốt công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt ở thôn, khu phố, các ban, ngành cấp xã, lãnh đạo các doanh nghiệp và chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn. Hằng năm, cùng với cử cán bộ đi học tập ở Tỉnh và Quân khu, Huyện còn tổ chức các lớp bồi dưỡng theo phân cấp; đồng thời, chủ động lồng ghép giáo dục cho các đối tượng thông qua các đợt tập huấn về QP-AN, huấn luyện quân sự, các đợt diễn tập tác chiến - trị an và qua các phương tiện thông tin đại chúng... Năm 2012, Huyện đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hơn 320 cán bộ thuộc các đối tượng 4, 5 đạt 100% kế hoạch đề ra, kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó có 95% khá và giỏi; giáo dục QP-AN cho gần 7.600 học sinh trung học phổ thông theo quy định. Qua đó, góp phần làm cho các cấp, các ngành, LLVT và toàn dân hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đối với nhiệm vụ QP-AN; về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ; giữa được bảo vệ và tự bảo vệ, lấy tự bảo vệ là chính, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; kịp thời khắc phục nhận thức chỉ chú trọng đến nhiệm vụ kinh tế, coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, các lực lượng chủ động xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung cũng như các chương trình, kế hoạch kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực. Trên nền tảng nhận thức đó, Huyện động viên toàn dân tích cực sản xuất, tham gia xây dựng “cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu”, bảo vệ địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đi đôi với công tác giáo dục, Huyện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực và thế trận QP-AN cả trong quy hoạch tổng thể của địa phương và phát triển từng ngành và các xã (phường, thị trấn). Hằng năm, trên cơ sở Nghị quyết của Huyện ủy, UBND Huyện phối hợp với các cơ quan, ban ngành của Tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã phê duyệt, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và đáp ứng yêu cầu về QP-AN. Trong đó, Huyện chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; thương mại – dịch vụ; du lịch và nông nghiệp, nông thôn; gắn quy hoạch với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Đối với nông nghiệp, nông thôn, Huyện tập trung quy hoạch bảo đảm phát triển toàn diện, đồng bộ các vùng kinh tế1; trong đó, coi trọng việc giao đất, giao rừng và có chính sách cụ thể cho nhân dân ở khu vực dự án, bảo đảm đất canh tác, hỗ trợ đào tạo nghề, mở nhiều dịch vụ, ngành nghề mới, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo công ăn, việc làm để nhân dân ổn định cuộc sống lâu dài. Đối với công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý, rà soát, thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài trong khu kinh tế Vũng Áng, các cụm công nghiệp mũi nhọn và chỉ cấp phép cho các chương trình, dự án có hiệu quả cả về KT-XH và QP-AN; đồng thời, khôi phục các làng nghề truyền thống có điều kiện về thị trường để khai thác thế mạnh của địa phương, như: may mặc, mây tre đan, nón lá, mộc dân dụng… Đến nay, khu kinh tế Vũng Áng đã từng bước phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là cảng biển, công nghiệp lọc hóa dầu, luyện thép cao cấp, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện và sửa chữa, đóng mới tàu biển… Đây là thời cơ, vận hội để huyện Kỳ Anh vươn lên trở thành trọng điểm kinh tế của Tỉnh và vùng Duyên hải Bắc miền Trung, nhằm: vừa phát triển KT-XH, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, vừa tạo thế đan xen lợi ích với các nền kinh tế trong khu vực và quốc tế, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án, như: xây dựng Đường tránh Quốc lộ 1A; Đường kinh tế - quốc phòng Kỳ Phú – Kỳ Thượng; Đường Kỳ Tây – Kỳ Văn; tuyến 2 Đường cứu hộ Kim Sơn; xây dựng các bến cảng, khu nuôi trồng hải sản và các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch – dịch vụ… đều được cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Quân sự, Công an thẩm định chặt chẽ, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN vững chắc.

Cùng với đó, Huyện ủy, UBND Huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác QP-AN, chú trọng kết hợp giữa tăng cường QP-AN với phát triển KT-XH, trọng tâm là xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng cả trên đất liền và biển, đảo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH ở địa phương. Theo đó, Huyện chú trọng xây dựng lực lượng thường trực vững mạnh toàn diện, có cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng dân quân, tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng tổng hợp và độ tin cậy về chính trị ngày càng cao; lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện và diễn tập theo quy định của Pháp lệnh. Trong quá trình xây dựng, Huyện coi trọng lãnh đạo xây dựng về chính trị, tổ chức và công tác huấn luyện, diễn tập, bảo đảm cho LLVT hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và tham gia tích cực vào phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở chính trị; đồng thời, là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ… Năm 2012, Huyện đã chỉ đạo 33/33 xã (thị trấn), 31/31 đơn vị tự vệ, Tiểu đoàn 19 và Phân đội đảo Sơn Dương hoàn thành 100% nội dung huấn luyện theo kế hoạch, kết quả kiểm tra: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 78,2% đạt khá và giỏi; tổ chức diễn tập tác chiến - trị an kết hợp với phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và phòng, chống lụt bão cho 9/33 xã đạt loại khá…, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT lên một bước mới. Huyện chỉ đạo LLVT địa phương đóng góp hàng nghìn ngày công tham gia phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; giúp dân xây dựng các khu tái định cư; tham gia các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường cho các khu dân cư... Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế do LLVT khởi xướng đã tỏ rõ hiệu quả thiết thực, như: mô hình trồng chè công nghiệp của dân quân xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng; chăn nuôi trang trại của dân quân xã Kỳ Khang. Lực lượng Quân sự, Công an còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp ở cơ sở, không để kéo dài thành “điểm nóng”, góp phần xây dựng Huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, vững về QP-AN cùng Tỉnh và cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

LÊ TRỌNG BÍNH
Bí thư Huyện ủy

____________

1 - Vùng đồng bằng trọng điểm về lúa gạo; Vùng ven biển; Vùng trung du, miền núi và Vùng tái định cư.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.